Lai Châu: Ấn tượng Sin Súi Hồ

Du lịch - Ngày đăng : 08:02, 12/12/2015

(HNMO) - Ngày 11-12, trong khuôn khổ chương trình khảo sát tuyến điểm du lịch khu vực Tây Bắc, đoàn công tác “Media Trip” - có sự tham gia của gần 50 nhà báo, do Tổng biên tập báo Du Lịch Nguyễn Đại Bàng chủ trì -tiếp tục hành trình từ Sa Pa (Lào Cai) sang Lai Châu.



Trên hành trình này, đoàn đã ghé thăm động Tiên Sơn - một điểm du lịch tâm linh đáng chú ý của tỉnh ở huyện Tam Đường. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến bản du lịch cộng đồng Sin Súi Hồ (còn gọi là bản Suối Hồ) - một điểm du lịch rất mới, đầy hấp dẫn và nhiều bí ẩn.


Cách trung tâm TP Lai Châu 35km, chênh vênh trên độ cao 1.400m với khoảng 1 giờ chạy xe, Sin Súi Hồ hấp dẫn du khách bởi nơi đây vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp hùng vĩ và trong trẻo của cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, những con người miền sơn cước đôn hậu, thân thiện, mến khách. Những nếp nhà nơi vách núi chứa đựng bên trong biết bao nét văn hóa truyền thống bản sắc độc đáo. Mùa này, đường dẫn vào bản rợp màu vàng của hoa dã quỳ vàng bung nở rực rỡ, xua đi cái lạnh giá của mùa đông vùng cao.

Nói là mới, bởi Sin Súi Hồ chỉ được đưa vào chương trình khai thác du lịch của tỉnh Lai Châu không lâu, chính xác là được tỉnh ra quyết định công nhận là bản du lịch vào đầu tháng 6-2015, nhưng lễ công bố chính thức quyết định này cũng chỉ mới được tổ chức hồi cuối tháng 10 vừa qua. Mới, bởi cả bản Sin Súi Hồ gồm 103 hộ đều là người Mông, nói, viết tiếng Mông là chủ yếu trong sinh hoạt, nên cuộc sống của họ là cả một kho chuyện để khám phá, tìm hiểu.

Quả là Sin Súi Hồ có quá nhiều điều gây tò mò, kích thích mong muốn khám phá của du khách. Bởi khác với những gì người ta thường hình dung về cuộc sống của người Mông, bản Sin Súi Hồ này mới mẻ và khác biệt ngay từ… cổng vào. Cổng được làm hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên, nom rất mộc nhưng vẫn tinh tế và khá… chuyên nghiệp, những hộ có dịch vụ home-stays khắc số điện thoại di động chủ nhà ngay trên cổng chào. Đường đi trong bản được đổ bê tông sạch sẽ. Nhà nào cũng có 2 – 3 nhà vệ sinh, tuy còn đơn giản với chỉ 1 hố xí xổm và 1 thùng nước suối trong vắt, nhưng vô cùng sạch sẽ với hệ thống đường ống dẫn nước từ trên núi về, có ca nhựa to múc nước, có dụng cụ vệ sinh cọ rửa, có giấy vệ sinh lau chùi. Kể tỉ mỉ thế, bởi đối với nếp sống thường được biết đến của người Mông - ở nhà sàn, nuôi trâu bò dê ngựa dưới gầm nhà sàn và việc vệ sinh còn nhiều hạn chế, thì cách làm nhà vệ sinh ở các nhà trong bản Sin Súi Hồ “thuần Mông” như thế này thực sự là vô cùng mới mẻ.

Nhà ở Sin Súi Hồ

Qua cổng bản, suốt dọc được vào thăm các nhà, du khách sẽ khó tránh khỏ cảm giác bị “ngợp”. Vô vàn chậu hoa lan lớn, loáng thoáng những cành hoa dài, tươi rói, mang một vẻ đẹp vừa mềm mại vừa rắn rỏi, được quy hoạch khéo léo, khoa học ở hầu khắp đường đi lối lại trước mỗi cổng nhà. Bà con người Mông ai cũng xúng xính trang phục truyền thống, hễ gặp là hồ hởi bắt tay chào hỏi, tươi cười vồn vã. Các em nhỏ hễ gặp khách là khoanh tay, nói “con chào cô, con chào bác” ngọt như mía lùi. Có cô nữ sinh lớp 7 xinh ơi là xinh sau khi khoanh tay chào cô du khách còn kèm theo lời mời hồn hậu: “Lát cô nhớ vào nhà con chơi nhé”…

Các ngôi nhà được bài trí khang trang, có khu ở, khu bếp, khu chăn nuôi, khu vệ sinh riêng biệt. Có thể thấy rõ đời sống kinh tế khấm khá của dân bản Sin Súi Hồ. Trò chuyện cùng phóng viên báo Hànộimới, Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ bằng tiếng Kinh khá sõi: “Năm 2011, mình chính thức nối nghiệp bố làm trưởng bản. Một lần đi trồng thảo quả, mình thấy hoa địa lan ở trên rừng. Mình mang về trồng làm cảnh thôi. Năm 2013, nó có hoa, có khách đến chơi, hỏi mua, được giá. Thế là mình tuyên truyền cho bà con trồng nhân rộng địa lan ra”.

Nay thì cả 103 hộ trong bản đều trồng địa lan. Chàng trưởng bản sinh năm 1975 hồ hởi kể: “Nhà trồng ít nhất cũng 6-7 chậu. Nhiều nhất 500 chậu. Nhà mình trồng có… 300 chậu thôi, chậu nào có hoa mình bán, thường 3,5 đến 4 triệu đồng/chậu. Người ta đến tận nhà mua. Mua nhiều nhất là khách Sa Pa – Lao Cai. Ngay sáng nay (11-12), cũng có xe đến mua địa lan. Từ tháng 7 đến tháng Giêng hằng năm, rất nhiều xe đến mua. Xe to mua 100 chậu địa lan, xe nhỏ 50-60 chậu, chở về Sa Pa, sau đó chắc xuống Lào Cai, rồi Hà Nội thôi”.

Trồng địa lan thu trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng theo trưởng bản Vàng A Chỉnh, thu nhập đều, thường xuyên của người dân bản chính là từ thảo quả. Anh bảo: “Trồng thảo quả là nghề từ xưa, mỗi lần gieo trồng cũng phải 5 năm sau mới được thu hái, thường thu hoạch vào tháng 9, 10, 11. Năm 2014, tôi thu được 8 tạ, bán giá 125.000 đồng/kg thảo quả khô. Năm nay cũng bán hết rồi, được chừng 1 tấn, nhưng hơi mất giá, chỉ… 123.000 đồng/kg. Tổng cũng được gần 130 triệu đồng”.

Nhà anh Vàng A Chỉnh còn nuôi dê, nuôi trâu, trồng lúa, trồng ngô. Năm nay, đàn dê của anh được hơn 30 con, A Chỉnh đã bán hơn 20 con, chỉ còn 10 con. Anh cho biết nguồn thu bán dê của gia đình cũng được chừng 40 triệu đồng/năm. “Nhà mình có wifi, mình tự đầu tư lắp, chỉ hơn 1 triệu là lắp được rồi. Mình cũng sử dụng được máy tính, có tiếp thị sản phẩm trên mạng, thông qua face-book của con trai” – A Chỉnh cười hồn nhiên chia sẻ.

Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu Lê Quang Minh.

Nói về điểm du lịch cộng đồng Sin Súi Hồ, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu Lê Quang Minh cho biết: “Điểm nhấn hút du khách ở đây là nghề trồng địa lan, dệt thổ cẩm, đồ lưu niệm bằng gỗ hoặc bằng tre. Tỉnh Lai Châu đã có chương trình vay vốn ưu đãi, dự kiến năm 2016 nếu được thông qua sẽ đầu tư 180 tỷ đồng mở rộng đường từ TP Lai Châu lên Sin Súi Hồ để 2 xe khách lớn có thể tránh nhau thoải mái, thuận tiện hơn, có cả bãi đỗ xe thật rộng, đủ đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như giúp thông thương thuận lợi hơn”.

Khi ấy, Sin Súi Hồ chắc chắn sẽ là điểm du lịch cộng đồng ngày càng gần gũi hơn với du khách trong nước và quốc tế.
Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu Lê Quang Minh: “Sin Súi Hồ mới được đưa vào khai thác dịch vụ du lịch. Ở bản, chúng tôi đang thí điểm 6 nhà home-stays. Đợt rồi, Sở hỗ trợ mỗi hộ ít chăn, màn cho du khách. Sang năm sẽ hỗ trợ một số dụng cụ nấu nướng, mời giảng viên dạy cách bày biện ẩm thực. Hiện tại, bà con chưa phải đóng thuế gì. Nếu lên Thác Trái Tim ở bản Sin Súi Hồ để khám phá rừng nguyên sinh, du khách chỉ phải mua 10.000 đồng/vé, cũng là để bà con người Mông bản địa có thêm nguồn thu làm vệ sinh môi trường. Chúng tôi muốn Sin Súi Hồ giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Mông, không bị phát triển quá nóng, thương mại hóa quá mức như Sa Pa”.

Mai Hoa - Nguyệt Thơ