Cảnh giác với tội phạm trên “mạng”
Pháp luật - Ngày đăng : 06:58, 12/12/2015
Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) sử dụng thiết bị hiện đại để phát hiện, ngăn chặn tội phạm trên mạng. Ảnh: Tùng Tâm |
Đánh giá công tác phòng, chống tội phạm 5 năm qua, CATP Hà Nội cho biết, bên cạnh những khó khăn khác thì việc tội phạm công nghệ cao diễn biến nhanh và phức tạp là khó khăn cơ bản. Thông qua internet, mạng xã hội, tội phạm tiến hành buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, ma túy, vũ khí, tài sản do người khác phạm tội mà có, văn bằng giấy tờ giả… Cũng trên mạng xã hội, tệ nạn cờ bạc, mại dâm ngày càng "sôi động". Mới đây, Bộ CA cũng đánh giá, hệ thống an ninh thông tin quốc gia còn nhiều kẽ hở. Thực trạng đó khiến tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin và viễn thông để tổ chức các đường dây lừa đảo quốc tế, rửa tiền, buôn lậu vũ khí, ma túy, buôn người, tổ chức đánh bạc, mại dâm xuyên quốc gia… đang gia tăng, diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, xâm phạm trực tiếp đến ANTT...
Thực tế là không khó để tìm thấy những trang cá nhân trên internet, mạng xã hội có "dính líu" đến tệ nạn xã hội (TNXH). Trá hình dưới những trang "game online", nhiều trang web lôi kéo người chơi vào các trò đánh bạc. Công khai hơn là các trang giới thiệu, môi giới hoạt động mại dâm. Cũng thông qua các trang mạng, việc rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ diễn ra âm thầm nhưng cũng rất táo tợn. Trên facebook, không khó để tìm được các trang bán từ vũ khí thô sơ như dao kiếm đến công cụ hỗ trợ như dùi cui, dùi cui điện, bình xịt hơi cay…
Cũng trên mạng xã hội, hoạt động mua bán hàng lậu, hàng giả diễn ra còn sôi nổi hơn. Các trang bán hàng cũng đa dạng về tên gọi, vỏ bọc, hàng giả, hàng lậu lẫn với hàng có xuất xứ. Đáng chú ý là việc nhiều trang mạng mạo danh doanh nghiệp, cơ quan để bán hàng "thanh lý". Có trang mạng bán cả những mặt hàng cần có sự cấp phép của cơ quan quản lý của nhà nước như tem nhãn, thậm chí tem chống hàng giả. Từ đây, nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu được hợp thức hóa bằng tem nhãn giả, tuồn ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng…
Tại sao hoạt động tội phạm, tệ nạn trên internet, mạng xã hội khó bị bóc gỡ đến vậy? Nguyên nhân là vì dù có vẻ khá công khai trên thế giới "ảo" nhưng khi vào giao dịch thật thì các đối tượng liên quan rất kín đáo. Số điện thoại được đăng rõ ràng nhưng việc tiếp nhận thông tin đặt hàng lại không dễ dãi. Để có hàng thật phải chuyển tiền thật qua tài khoản. Người bán, kẻ mua không biết mặt, cũng chẳng gặp gỡ. Chính vì vậy, cơ quan CA gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi, phát hiện và triệt phá các ổ nhóm đối tượng, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật qua mạng. Trong khi thế giới "ảo" nở rộ và phát triển nhanh chóng mặt thì xét về lực lượng, cơ quan chức năng luôn thiếu nhân lực để làm chủ không gian internet…
Cùng với các loại tội phạm công nghệ cao khác đang sử dụng internet làm môi trường phạm tội, nhiều loại tội phạm truyền thống cũng đã và đang biến internet thành "chợ" giao dịch trái pháp luật. Theo dự báo của cơ quan CA, những hành vi vi phạm này sẽ còn diễn biến phức tạp.
Về mặt quản lý nhà nước về ANTT, cơ quan CA đã có kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng, trong đó Cảnh sát Phòng chống công nghệ cao làm nòng cốt, cùng với lực lượng cảnh sát hình sự, kinh tế theo dõi, phát hiện và triệt phá những ổ nhóm phạm pháp sử dụng mạng xã hội. Gần đây nhất, cuối tháng 11-2015, từ sự phối hợp của nhiều lực lượng, CA tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 2 đối tượng sử dụng mạng xã hội bán vũ khí, công cụ hỗ trợ…
Mặt khác, cơ quan CA cũng kêu gọi sự hợp tác của người dân trong việc cảnh giác và từ chối tiếp tay các hành vi đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dân và sự lành mạnh của thị trường như buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn bán vũ khí, văn bằng, giấy tờ giả…