Khiếu kiện kéo dài tại chợ Hà Đông: Vì sao chưa xử lý triệt để?

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 12/12/2015

(HNM) - Kết luận nhiều nội dung tố cáo là


Những dấu hiệu sai phạm

Trong đơn gửi Báo Hànộimới, bà con kinh doanh tại chợ Hà Đông tố cáo ông Nguyễn Hữu Dàng, Trưởng ban Quản lý chợ Hà Đông có dấu hiệu lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ gây thiệt hại tiền của Nhà nước và thu chi sai quy định. Cụ thể, theo đơn của các tiểu thương, kể từ khi nhậm chức (tháng 8-2014), ông Trưởng ban đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc khoán thu cho các tổ thu vé chợ, thu vé chợ phiên sai quy định; chiếm đoạt tiền lương của người lao động; chỉ đạo việc trích quỹ công đoàn sai quy định. Theo đó, quỹ công đoàn được hình thành bằng việc trích trực tiếp từ nguồn lương hằng tháng của người lao động để phục vụ việc thăm hỏi, ốm đau... nhưng theo chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Dàng, bắt đầu từ tháng 10-2014, tất cả các nguồn thu từ chợ phiên, thu phí vệ sinh... đều nộp vào quỹ công đoàn nhưng không có các chứng từ thu chi. Thêm nữa, ông Dàng đã buông lỏng quản lý, tự ý đầu tư và sử dụng tiền ngân sách nhà nước sai quy định, vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ...

Nhà bếp trên nóc tầng 3 chợ Hà Đông.


Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến kiến nghị của người dân, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã trực tiếp gặp và trao đổi với nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Đông. Ông Phạm Văn Hưng, đại diện cho các hộ kinh doanh tại chợ bức xúc: Trước đây, tổ vé được Ban Quản lý giao vé để thu tiền đối với khách hàng ra vào mua sắm tại chợ. Hết tháng tổ vé nộp tiền về cho Ban Quản lý tương ứng với số vé đã phát hành. Nay thực hiện chỉ đạo của ông Trưởng ban, các tổ vé được khoán với số tiền phải nộp cho Ban Quản lý là từ 13 đến 16 triệu đồng/tháng, trong đó tiền vé là 8 triệu đồng, số tiền còn lại theo lời một cán bộ quản lý là dùng vào việc ngoại giao và không đưa vào sổ sách kế toán (?).

"Điều tiểu thương bất bình là việc ông Dàng tự ý thay đổi công năng khu vực ô thoáng thoát hiểm của chợ Hà Đông" - Ông Hưng nhấn mạnh - "Theo đó, một phần khu vực thoát hiểm trên tầng 3 đã được ông Dàng chỉ đạo bịt lại lối thoát hiểm để làm nơi nấu ăn phục vụ cho tổ chức sự kiện tiệc cưới Thanh Thủy. Ông Trưởng ban đã cho phép đặt các bình ga lớn để sử dụng bếp ga công nghiệp mà chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Việc bịt các ô thoáng thoát hiểm này ảnh hưởng đến kết cấu và sơ đồ thiết kế của chợ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của các tiểu thương".

Nhiều nội dung tố cáo "có cơ sở"

Tiếp tục làm rõ vấn đề, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với ông Nguyễn Hữu Dàng, Trưởng ban Quản lý chợ Hà Đông. Ông Dàng nói: "Đơn thư này có lâu rồi, từ tháng 6-2015. Ngay từ thời điểm đó, UBND quận Hà Đông đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và khẳng định nhiều nội dung không có căn cứ. Bản thân người đứng đơn kiện cũng không cung cấp được các bằng chứng chứng minh. Đến giờ, vụ việc này đang được giao cho Thanh tra quận giải quyết rồi. Các bạn phải chờ, khi có chúng tôi sẽ cung cấp".

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thay đổi, xây dựng nhà mái tôn làm khu vực đun nấu, thay đổi công năng khu vực ô thoáng thoát hiểm của chợ có xin phép cơ quan chức năng không, ông Dàng thừa nhận điều này không có. Ông Trưởng ban cũng cho biết, ngay khi nảy sinh khiếu kiện, Ban Quản lý đã yêu cầu đơn vị không được đun nấu. "Ngay cả việc tổ chức sự kiện cũng dừng luôn từ đó đến giờ (?)" - Ông Dàng nhấn mạnh.

Thế nhưng thực tế không như điều ông Trưởng ban nói, khi chúng tôi đến và liên hệ với số máy nhân viên dán ở cửa nơi tổ chức sự kiện thì một nhân viên đon đả chào đón. Nhân viên này còn thông báo, nếu không đến đặt lịch nhanh sẽ còn có đám khác vào ngay và không quên dặn chúng tôi đi cổng phía đường Lê Lợi để lên tầng 4 cho thuận tiện.

Một vấn đề khác, trong biên bản thống nhất về việc kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo, do liên ngành quận Hà Đông gồm: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế, Chi cục Thuế Hà Đông, UBND phường Nguyễn Trãi, Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 Công an TP Hà Nội lập ngày 27-7-2015, gần 80% nội dung đơn tố cáo được liên ngành, qua thanh tra, kiểm tra các giấy tờ, sổ sách tại Ban Quản lý chợ Hà Đông, xác nhận là có cơ sở. Cụ thể như nội dung tố cáo ông Trưởng ban chỉ đạo việc trích quỹ công đoàn sai quy định, qua kiểm tra, đoàn liên ngành thấy rằng, lãnh đạo Ban Quản lý chợ Hà Đông cho phép công đoàn cơ quan một số khoản thu về quỹ công đoàn, số tiền thu vào quỹ công đoàn từ tháng 1-2014 đến hết tháng 5-2015 là 232.200.000 đồng, trong đó thu quảng cáo hơn 88 triệu đồng; thu cho thuê kho hơn 36 triệu đồng; thu các khu vệ sinh hơn 45 triệu đồng; thu các hộ bán nước gần 7 triệu đồng (các hộ được Ban Quản lý chợ bố trí chỗ ngồi nhưng không ký hợp đồng với Ban Quản lý chợ, mỗi tháng nộp cho Công đoàn 300 nghìn đồng/hộ)… Tất cả các khoản thu này đều không có hóa đơn, không có phiếu thu, không có chứng từ thu nộp. Các khoản thu về quỹ công đoàn này của năm 2014 không có trong báo cáo quyết toán thu - chi ngân sách Công đoàn Ban Quản lý chợ Hà Đông gửi Liên đoàn lao động quận Hà Đông. Như vậy, Công đoàn Ban Quản lý chợ Hà Đông đã lập một quỹ riêng để chi tiêu riêng không theo quy định của Nhà nước.

Về nội dung đơn phản ánh ông Trưởng ban đã cố tình vi phạm các quy định phòng chống cháy nổ, qua kiểm tra, đoàn công tác thấy: Thực hiện văn bản số 313/UBND-KT, ngày 13-2-2015, của UBND quận Hà Đông về việc chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Thanh Thủy thuê địa điểm kinh doanh tại tầng 3 khu A chợ Hà Đông. Ban Quản lý chợ ký Hợp đồng số 1208/HĐ/ĐĐ, ngày 13-2-2015 cho Công ty Thanh Thủy thuê diện tích 600m2 (đã trừ lối đi). Hiện trạng, Công ty Thanh Thủy làm nhà bếp khung sắt nhà tôn với diện tích 50m2, kho thực phẩm và khí gas diện tích 20m2, phía trong sân mái tầng 3.

Tại biên bản kiểm tra ngày 17-3-2015 của Phòng Cảnh sát PCCC số 9 với Ban Quản lý chợ, có nêu: Để bảo đảm yêu cầu an toàn về PCCC tại chợ và các hộ kinh doanh tầng dưới, Ban Quản lý chợ thực hiện giải phóng mặt bằng sân sau tầng 3 và trả lại hiện trạng ban đầu. Ban Quản lý chợ cho Công ty Thanh Thủy làm bếp khung sắt nhà tôn, kho thực phẩm và khí gas phía trong sân mái tầng 3, Ban Quản lý chợ có báo cáo về thiết kế được duyệt trước ngày 25-3-2015 về Phòng Cảnh sát PC&CC số 9. Tuy nhiên, Ban Quản lý chợ chưa có báo cáo và Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 đã có Công văn số 256/PC&CCS9-Đ2, ngày 10-6-2015, đề nghị Ban Quản lý chợ Hà Đông báo cáo về thiết kế được duyệt. Qua kiểm tra, đến ngày 8-6-2015, Ban Quản lý chợ đã có Tờ trình số 02/TTr-QLC kèm thiết kế, theo đó khẳng định phần diện tích 70m2 (bếp và nhà kho) của Công ty Thanh Thủy, Ban Quản lý chợ không ký hợp đồng cho thuê và không thu tiền. Như vậy, việc đơn nêu là có cơ sở…

Trên cơ sở những sai phạm diễn ra tại Ban Quản lý chợ Hà Đông, tổ công tác liên ngành quận đã có đề xuất, kiến nghị và giải pháp xử lý báo cáo UBND quận. Tuy nhiên, hơn 4 tháng đã qua, đến nay, mọi việc vẫn "án binh bất động". Chính điều này đã khiến các tiểu thương kinh doanh tại chợ bất bình, tiếp tục gửi đơn khiếu kiện tới các cơ quan chức năng. Thực trạng này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi: Không hiểu vì sao hầu hết nội dung tố cáo đã được cơ quan chức năng kết luận là "có cơ sở" mà đến nay chưa có "cơ sở" nào khẳng định những sai phạm tại chợ Hà Đông được xử lý kiên quyết, triệt để?

Nhóm PV PS-ĐT