Vợ Tàng 'Keangnam' xin lại nhà Hà Nội để cho con ăn học
Pháp đình - Ngày đăng : 20:18, 11/12/2015
Chỉ đi theo chồng?
Trong phần bào chữa cho bị cáo Giàng Thị Sua (vợ Tàng Keangnam), cả ba luật sư đề nghị Toà tuyên vô tội. Theo luật sư Nguyễn Hồng Vân, quá trình điều tra cũng như khi xét xử, căn cứ vào các lời khai thì thấy, việc quy kết bị cáo Sua đồng phạm với Tàng là không thuyết phục. “Theo nguyên tắc, khi không đủ cơ sở chứng minh tội phạm thì cần xem xét theo hướng có lợi cho bị cáo” – luật sư Vân cho hay.
Bị cáo Giàng Thị Sua (vợ Tàng Keangnam) trong phiên xử. |
Tranh luận về hành vi của bị cáo Sua khi cùng chồng vận chuyển 265 bánh heroin, bị bắt hồi giữa năm 2013, các luật sư khẳng định thiếu căn cứ thuyết phục. Theo lời bào chữa, thời điểm đó bị cáo Tàng vừa dứt cơn ốm, khi chưa thật khoẻ thì nhận được điện thoại từ Lương Thị Thảo (Bắc Giang) đề nghị chuyển “hàng”. “Do lo lắng đến sức khoẻ của chồng, Sua đã đi cùng để chăm sóc”, luật sư Vân lập luận.
Để chứng minh việc đồng phạm của Sua, cơ quan truy tố cho rằng, khi những người dân tộc Mông chuyển ma tuý đến nhà cho Tàng, Giàng Thị Sua không phản đối, còn cơm nước chu đáo. Tuy nhiên, “phản pháo” quan điểm trên, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Sua khẳng định, việc cơm nước khi khách đến nhà là một hoạt động bình thường của những người dân tộc, đó là một nghi lễ tiếp khách chu đáo, không đủ cơ sở quy kết dấu hiệu đồng phạm.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Sua cho rằng, mong hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét để được trở về với các con, bởi bản thân không tham gia đường dây mua bán ma tuý đó, chỉ đi chơi theo chồng. Ngoài ra, bị cáo Sua cũng không quên “xin lại” căn nhà ở quận Hà Đông, Hà Nội (bị cơ quan truy tố kết luận là tài sản do phạm tội mà có) để các con có chỗ ăn học. Đồng thời, “bà trùm” cũng đề nghị cơ quan xét xử xem xét lại toàn bộ vấn đề tài sản của vợ chồng mình.
Liên quan đến căn nhà ở quận Hà Đông, các luật sư có ý kiến cho rằng, đó là tài sản được hình thành từ nguồn gốc hợp pháp, là tiền của bố mẹ Sua cho. “Không có căn cứ chứng minh đây là căn nhà có được do buôn bán ma tuý” – một luật sư nêu ý kiến.
Bào chữa theo hướng “không phạm tội"
Ở hầu hết các bài bào chữa, luật sư đều cho rằng, chưa đủ căn cứ để khẳng định bị cáo phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý.
Đơn cử tình huống của bị cáo Giang A Chờ. Bị cáo này từng là công an viên, phó bản Lũng Xá (xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Khi vụ án bị điều tra, cơ quan chức năng đã quy kết Chờ đã 4 lần tham gia buôn bán hàng trăm bánh ma tuý cùng Tàng Keangnam. Ở phiên xử, Chờ bị đề nghị mức án tử hình từ cơ quan truy tố.
Cho rằng thân chủ của mình không phạm tội, luật sư Trịnh Văn Toàn phân tích, quá trình xét xử, bị cáo Chờ khai nhận đã từng bị ép cung tại cơ quan điều tra. Do vậy, cần xem xét lại tính chân thực của những lời khai của Chờ và các lời khai khác liên quan.
Hoặc trường hợp bị cáo Tráng A Nếnh (em nuôi Tàng). Ở phần tự bào chữa, Nếnh cho rằng cơ quan truy tố kết luận bị cáo từng 6 lần giúp sức Tàng mua bán ma tuý là không đúng. “Bị cáo cũng không có tiền để mua bán ma tuý” – bị cáo Nếnh khai nhận.
Cũng như nhiều bài bào chữa khác, luật sư Giang Hồng Thanh khi tranh luận về hành vi phạm tội của bị cáo Nếnh đã nhấn mạnh, trong biên bản bắt quả tang “thương vụ” vận chuyển, mua bán 265 bánh heroin hồi tháng 7/2013, không đủ cơ sở chứng minh Nếnh mua bán ma tuý.
Trình bày gia cảnh của bị cáo, luật sư cho rằng, việc đề nghị mức án tử hình đối với Trang A Nếnh là quá nặng. Bị cáo hiện đang có 3 con nhỏ. Nếu tử hình Nếnh, việc giáo dưỡng những người con này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do vậy, mong HĐXX xem xét.
Trường hợp “đầu nậu” Lương Thị Thảo, bị cáo này tỏ vẻ ăn năn về hành vi phạm tội của mình. Đề nghị HĐXX xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ để sớm về chăm sóc các con. Luật sư của bị cáo Thảo đưa ra chi tiết: Bị cáo này đã chủ động làm đơn, hỗ trợ lực lượng chức năng phá án, do vậy, cần coi đó là tình tiết quan trọng khi lượng hình cho bị cáo.