Hành trình khảo sát tuyến điểm du lịch khu vực Tây Bắc
Du lịch - Ngày đăng : 19:01, 11/12/2015
Chương trình do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng các địa phương tổ chức, dự kiến diễn ra trong vòng 5 ngày, từ ngày 10 đến 14-12 theo lịch trình Hà Nội – Lào Cai – Lai Châu – Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình. Thông qua các buổi tọa đàm kết hợp khảo sát thực tế, các nhà quản lý và chuyên môn mong muốn tìm kiếm những giải pháp đột phá trong phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc, chuẩn bị các điều kiện cho Năm Du lịch quốc gia 2017 – Tây Bắc – Lào Cai.
Du lịch Lào Cai: Khâu đột phá
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng khi trao đổi cùng các phóng viên trong đoàn khảo sát. Ông Thắng nhấn mạnh: Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh xác định du lịch là một trong các khâu đột phá trong năm 2016, việc đầu tư phát triển du lịch sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo.
Khởi hành từ 7h30 từ trụ sở báo Du Lịch (số 4 Liễu Giai – Hà Nội), bon theo đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, sau 4 giờ chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm TP Lào Cai. Cách đây mươi năm, đó là điều không tưởng. Có thể thấy chặng đường từ Hà Nội đến Lào Cai bây giờ thật đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. Lào Cai tưởng xa, nhưng giờ đã thật gần.
Sa Pa là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch. |
Trao đổi với đoàn khảo sát, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng hồ hởi thông báo: Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc đã được lựa chọn là Năm Du lịch Quốc gia 2017, mà Sa Pa chính là điểm nhấn. Nhắm mục tiêu tổ chức thành công nhiệm vụ quan trọng này, tỉnh nhà đã ra Nghị quyết xác định du lịch là một khâu đột phá trong kế hoạch phát triển Lào Cai năm 2016. Quy hoạch phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2016-2020, hướng đến 2030 đã được xây dựng. Khi được phê duyệt, du lịch Lào Cai sẽ có cơ sở, điểm tựa để hoạch định và triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đột phá mà tỉnh nhà đã đề ra.
Nói rõ hơn về ưu thế phát triển du lịch của Lào Cai, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Đình Dũng nhấn mạnh: Lào Cai có diện tích trên 8.000km2, dân số 60 vạn người, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Đặc biệt, cửa khẩu quốc tế Lào Cai giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc là điều kiện tốt để khai thác phát triển du lịch – dịch vụ. Hệ thống giao thông thuận tiện giúp Lào Cai trở thành cầu nối quan trọng trong hành lang kinh tế Côn Minh – Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Lào Cai có khu du lịch Sa Pa đã trở thành thương hiệu quốc tế, có đỉnh Phan-xi-păng nóc nhà Đông Dương khiến bao người muốn chinh phục. Ở nơi sông Hồng chảy vào đất Việt này có 25 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, rất giàu bản sắc. Lào Cai cũng sở hữu 16 di sản văn hóa phi vật thể – là một trong các tỉnh nhiều di sản phi vật thể nhất ở Tây Bắc. Riêng năm 2014, Lào Cai đã đón 1.460.000 lượt khách du lịch, năm nay dự kiến đón được 2,2 triệu lượt khách. Số khách sạn nhà nghỉ đạt 550 cơ sở lưu trú, trong đó có 114 khách sạn xếp hạng từ 1 đến 5 sao (đạt tỷ lệ 20%). Số hướng dẫn viên, thuyết minh viên vào khoảng 300 người địa phương. Số doanh nghiệp lữ hành là 32 (trong đó có 17 doanh nghiệp quốc tế). Nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc đăng cai thành công Năm Du lịch quốc gia 2017, Lào Cai đã có 15 dự án đầu tư với tổng giá trị ước tính hơn 20.000 tỷ đồng.
Những bài toán khó không dễ tìm lời giải
Có nhiều lợi thế phát triển mạnh, nhưng du lịch Lào Cai cũng phải đối mặt với nhiều bài toán khó. Đó là hạn chế về hạ tầng cơ sở thực tế vẫn chưa thể đáp ứng lưu lượng du khách đến với Lào Cai ngày một nhiều hơn. Khu du lịch Sa Pa chỉ chừng 3.500 phòng, nói như nhận định của PGĐ Nguyễn Đình Dũng thì “cơ sở lưu trú còn thiếu rất nhiều trong bối cảnh Sa Pa liên tục quá tải, đặc biệt khi cáp treo chính thức vận hành.
Dự kiến đến 2020, Sa Pa sẽ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, số phòng bị thiếu sẽ vào khoảng từ 1.500 đến 2.000 phòng”. Một bài toán khó nữa là khâu đào tạo hướng dẫn viên du lịch địa phương, bởi hầu hết họ đều làm việc mang tính chất thời vụ, khó tập hợp và quản lý để tiện đào tạo chuyên nghiệp.
Giải pháp đặt ra là các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo thêm người địa phương vào công tác du lịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh nhà cần tiếp tục phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế tình trạng đeo bám du khách...
Nhưng bài toán khó nhất có lẽ chính là việc tỉnh nhà sẽ phải tiếp tục đa dạng hóa các mô hình và sản phẩm du lịch, cung cấp nhiều dịch vụ phong phú cho khách hàng lựa chọn. Làm thế nào để du khách sẵn sàng mạnh tay chi tiền và hài lòng với các sản phẩm du lịch mà Lào Cai cung cấp – đó là câu hỏi thực sự không dễ trả lời!
Một số chỉ tiêu và giải pháp Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai Nguyễn Đình Dũng, trong giai đoạn 2016-2020, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phát triển Lào Cai trở thành điểm du lịch bậc nhất của vùng Tây Bắc với một số chỉ tiêu cụ thể như sau: đón được 4,5 triệu lượt khách năm 2020, trong đó có 30% lượt du khách quốc tế, đạt doanh thu 18.000 tỷ đồng. Có 1.300 cơ sở lưu trú với trên 16.000 phòng. Phấn đấu đạt mức chi tiêu bình quân của mỗi du khách trong 1 ngày là 1.350.000 đồng. Để thực hiện được các chỉ tiêu ấy, nhiệm vụ đầu tiên là phải làm tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch đến 2020 và định hướng đến 2030. Bảo vệ quy hoạch khu du lịch Sa Pa thành khu du lịch quốc gia và hoàn thiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. |