Thực hư khả năng sở hữu bom nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên

Xã hội - Ngày đăng : 18:24, 11/12/2015

(HNMO) - Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm qua vừa khẳng định nước này đã phát triển thành công bom nhiệt hạch mới - bước tiến lớn so với các loại bom hạt nhân trước đây. Tuy nhiên Mỹ và nhiều quốc gia khác tỏ ra hoài nghi về thông tin trên.

Những tuyên bố mới về việc sở hữu bom nhiệt hạch của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang gây ra nhiều tranh cãi trên toàn cầu.


Những thông tin về bom mới được nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra khi đến thăm di tích cách mạng Phyongchon - nơi ghi dấu ấn của cha đẻ và ông nội (Chủ tịch Kim II Sung) của ông. “Chủ tịch Kim II Sung đã biến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trở thành một đất nước mạnh mẽ sở hữu vũ khí hạt nhân sẵn sàng kích nổ các loại bom hạt nhân và bom nhiệt hạch để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của mình” - hãng tin quốc gia KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un. Về mặt lý thuyết, bom nhiệt hạch sử dụng công nghệ tiên tiến cho phép tạo ra vụ nổ lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử thông thường.


Trước đây, Bắc Triều Tiên đã tiến hành các đợt thử nghiệm vũ khí hạt nhân suốt từ năm 2006, 2009 và 2013 - điều khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đưa ra nhiều hình thức trừng phạt thương mại và tài chính nhằm hạn chế đầu vào cho các chương trình phát triển vũ khí của nước này.

Hình ảnh về một vụ nổ bom nhiệt hạch.


Về phía mình, Nhà Trắng tỏ ý hoài nghi Bắc Triều Tiên có khả năng phát triển bom nhiệt hạch - nhưng vẫn khẳng định Pyongyang luôn được coi là mối đe doạ. “Cho tới thời điểm này, thông tin mà chúng tôi có đều cho thấy sự thiếu chắc chắn đối với các tuyên bố trên. Tuy nhiên chúng tôi luôn cảnh giác trước mối đe doạ do chính phủ Bắc Triều Tiên tạo ra với những tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của họ” - phát ngôn viên Josh Earnest của Nhà Trắng chia sẻ trong một cuộc họp báo thường kỳ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiếp tục đưa ra lời kêu gọi Triều Tiên tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của mình và từ bỏ các chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Phó Đại sứ Liên hợp quốc Peter Wilson của Anh cho rằng, nếu có bằng chứng Triều Tiên tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc, “chúng tôi sẽ có hành động thông qua Hội đồng Bảo an”.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thấy những tuyên bố tương tự trước đây”, ông phát biểu trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp lần thứ hai về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Angola và Venezuela.

Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về khả năng phát triển thành công bom mới của Bắc Triều Tiên.


Một quan chức thuộc Cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng cho hãng tin Yonhap biết hiện chưa có bất cứ bằng chứng cụ thể nào về việc miền Bắc có thể chế tạo bom nhiệt hạch và cho rằng tuyên bố của ông Kim Jong Un chỉ mang tính hoa mĩ.

Trước những thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc - đối tác kinh tế và cũng là đồng minh ngoại giao quan trọng của Bắc Triều Tiên - khẳng định nước này quyết tâm theo đuổi sự phân quyền trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán. “Chúng tôi hi vọng rằng các bên có thể làm nhiều hơn thay vì chỉ là căng thẳng hoá tình huống, đóng góp những nỗ lực duy trì hoà bình và ổn định trên bán đảo” - phát ngôn viên Hua Chunying nói.

Bất chấp những thử nghiệm bí mật, các chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên không đủ khả năng đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa - mặc dù nước này đã tuyên bố thành công trong việc thu nhỏ kích thước vũ khí này. Như thế, nếu những thông tin về bom nhiệt hạch là sự thật, nó sẽ là bước tiến lớn của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển các loại vũ khí nguyên tử.

“Tôi cho rằng việc Bắc Triều Tiên khẳng định có bom nhiệt hạch là điều không đáng tin cho lắm. Tuy nhiên chắc chắn rằng họ sẽ không loay hoay mãi với những thiết bị cơ bản” - chuyên gia Jeffrey Lewis của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury chia sẻ. Cũng theo Lewis, có khả năng phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên ám chỉ tới các công nghệ nâng cao hiệu quả của bom hạt nhân - điển hình là nhiên liệu phản ứng. Đây cũng là thứ mà Triều Tiên từng tuyên bố đã phát triển thành công hồi năm 2010.

Theo ông Albright, công nghệ vũ khí nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên - nếu có - đều rất thô sơ và cũ kĩ.


Về phần mình, chuyên gia nguyên tử David Albright, giám đốc viện nghiên cứu Khoa học và an ninh toàn cầu tại Washington, trong những năm qua đã có nhiều lo ngại nảy sinh đối với việc Bắc Triều Tiên theo đuổi các dự án vũ khí nhiệt hạch. Tuy nhiên những loại vũ khí mà nước này theo đuổi được cho là thô sơ và cũ kĩ hơn cả các loại bom nhiệt hạch cổ điển và sẽ đòi hỏi những vụ thử hạt nhân với quy mô lớn hơn những gì đã từng diễn ra. “Tôi hoài nghi về việc họ có thể thành công ngay cả vào lúc này” - ông nói.

Về nguyên tắc, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi tạm dừng các trận giao chiến hồi 1950-1953 chỉ bằng một hiệp ước ngừng bắn.

Hoàng Linh