Áp lực lên tỷ giá gia tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 15:43, 11/12/2015

(HNMO) – Thời điểm cuối năm, nhu cầu về ngoại tệ thường tăng mạnh, vì thế giá USD trên thị trường thời gian qua có sự biến động đáng kể. Theo nhận định, thời gian tới,  tỷ giá sẽ căng thẳng, đặc biệt nếu Fed nâng lãi suất và đồng NDT tiếp tục mất giá.


Trong khoảng 2 tuần cuối của tháng 11 vừa qua, tỷ giá VND/USD có sự biến động đáng chú ý, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá giá USD lên sát mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo ngân hàng thương mại trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, trong đó đề cập diễn biến tỷ giá trên thị trường.

Theo số liệu từ báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường ngày 9/12 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá USD/VND trong tháng 11 có sự điều chỉnh nhẹ so với cuối tháng 10, tăng 0,76%. Trong tuần cuối cùng của tháng 11, tỷ giá tiến tới khá sát mức trần 22.547 đồng đổi được 1 USD.

BVSC cho rằng, về mặt kỳ vọng thì điều này có thể phản ánh phần nào phản ứng của thị trường về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào trung tuần tháng 12. Tuy nhiên, xu hướng tăng nhẹ giá USD trong tháng 11 phần lớn phản ánh nhu cầu ngoại tệ gia tăng vào quí cuối năm của doanh nghiệp.

Tỷ giá VND/USD sẽ chịu nhiều sức ép trong thời gian tới (ảnh: Internet)


Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá USD tăng một phần quan trọng là do tâm lý đầu cơ. Mỗi lần nghe tin tức biến động thị trường, những đối tượng đầu cơ thường dồn mua găm giữ USD khiến tỷ giá tăng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố trên thì nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán của doanh nghiệp gia tăng, nhu cầu trả nợ của người dân, doanh nghiệp, thậm chí là cả Chính phủ tăng vào cuối năm cũng tác động đến tỷ giá.

Những ngày gần đây, tỷ giá đã hạ nhiệt, hiện đang giao dịch phổ biến là 22.430-22.440 VND (mua vào)-22.510 VND-22.520 VND (bán ra).

Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng tái khẳng định là hai đợt điều chỉnh tỷ giá trong tháng 8 vừa qua vẫn tạo đủ dư địa cần thiết cho điều hành tỷ giá đến hết năm. Chính vì thế, cả chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu và BVSC đều nhận định, tỷ giá USD/VND vẫn ở mức ổn định trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian tới, tỷ giá sẽ chịu sức ép từ khả năng lãi suất của Fed tăng. Ngày càng có nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy khả năng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng này, đặc biệt sau khi các số liệu về kinh tế ở Mỹ về việc làm, lạm phát và tiêu dùng nội địa cho thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đủ khỏe mạnh. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 4/12, nước này đã tạo thêm được 211.000 việc làm ở khu vực phi nông nghiệp trong tháng 11, và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 5% so với tháng trước, trong khi lạm phát mặc dù hiện đang ở mức 1,3% nhưng đang cho tín hiệu dần tăng lên.

Ngoài ra, tỷ giá VND còn đang chịu sức ép từ xu hướng mất giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo sẽ đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Như vậy, từ  tháng 10/2016, các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF ngoài USD, euro, đồng bảng Anh, yên Nhật còn có NDT.

Sau khi đồng NDT được cho vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF, các điều khoản sẽ hạn chế sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào giá trị thị trường của NDT. Vì thế, xu hướng giảm giá của NDT có thể được dự báo trước. Nói rõ hơn về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong rổ tiền tệ dự trữ của IMF đều là những đồng tiền được hoán đổi tự do thị trường trong khi đó đồng NDT chưa được xem là đồng tiền được thả nổi.  “Từ nay đến thời điểm tháng 10/2016, đồng NDT sẽ tiến dần đến trạng thái thả nổi, hoán đổi tự do, tức đồng NDT có khả năng tiếp tục bị phá giá”, chuyên gia này nói.

Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều khi đồng NDT bị phá giá. Còn nhớ, vào hồi tháng 8 vừa qua, sau khi đồng NDT liên tục bị phá giá, Việt Nam ngay lập tức điều chỉnh tỷ giá để bảo vệ thị trường hàng hóa, bởi nếu không hàng hóa của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường Trung Quốc, ngược lại hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn. Tính từ đầu năm đến nay tỷ giá VND đã được điều chỉnh 5%.

Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ để ổn định tỷ giá; trong đó thời gian qua cơ qua quản lý này đã sử dụng công cụ là điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD xuống 0-0,25%. Một công cụ nữa cũng được sử dụng là bán ngoại tệ. Tuy nhiên, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước có hạn, nếu bán thường xuyên sẽ khiến thị trường ngoại hối trong nước vào rủi ro lớn, vì thế không thể bán mãi. Nếu biện pháp điều chỉnh tỷ giá không được sử dụng thì chỉ còn biện pháp hành chính.

“Hy vọng Ngân hàng Nhà nước không phải dùng đến biện pháp điều chỉnh tỷ giá, nhưng với những biến động trên thị trường ngoại hối sắp tới, đặc biệt là Fed có thể tăng lãi suất và NDT tiếp tục mất giá, áp lực đối với tỷ giá VND/USD là rất lớn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Hương Thủy