Doanh nghiệp vẫn loay hoay
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 11/12/2015
Sụt giảm sức cạnh tranh
Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2015 kinh tế thành phố đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn cả năm 2015 ước đạt 962 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2014 (GDP năm 2012 tăng 9,2%, năm 2013 tăng 9,3%, năm 2014 tăng 9,6%). Báo cáo cũng cho biết, năng lực cạnh tranh của DN được cải thiện, tình hình sản xuất - kinh doanh chuyển biến tích cực.
Làm thủ tục tại Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM). Ảnh: Quang Định |
Tuy tốc độ tăng trưởng cao hơn các năm trước nhưng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận tình hình kinh tế thành phố vẫn còn khó khăn, năng lực cạnh tranh ở một số mặt đang tụt giảm so với khu vực, cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khó khăn hiện tại của DNVVN là chi phí vốn còn lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế. Hiện các DN phải vay với lãi suất 9 - 10%, quá cao so với khu vực và với sức chịu đựng của DN. Bên cạnh đó, nguy cơ bị tăng các khoản thu có thể xảy ra bởi nhu cầu về chi tăng trong khi nguồn thu có xu hướng giảm. Những điều này làm ảnh hưởng đến chi phí và vốn của DN, đặc biệt là DNVVN, làm giảm sức cạnh tranh của DN. Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh vấn đề về vốn, lãi vay, các DN còn phải chịu nhiều chi phí khác như nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội quá cao so với khu vực. Theo ông Nghĩa, một số DN cho biết phải cắt bớt công nhân vì tiền bảo hiểm xã hội quá lớn, đặc biệt là DN thâm dụng lao động như may mặc, giày da.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết, thủ tục hành chính vẫn chưa có cải thiện đáp ứng yêu cầu, dù cộng đồng DN vừa đón nhận hai luật mới là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Thậm chí, từ khi đưa hai luật mới vào thực hiện (1-7-2015) thì 6 tháng qua, DN còn "khổ" hơn khi xin giấy phép đầu tư ở Sở Kế hoạch - Đầu tư vì chưa có thông tư hướng dẫn.
Cải cách mạnh mẽ hơn
Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam - Triển vọng 2016" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho DNVVN. Tuy nhiên, các DN phải đáp ứng đầy đủ điều kiện để vay tín dụng, cải thiện quản trị, đặc biệt chứng minh tính khả thi và khả năng trả nợ của dự án. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với sử dụng vốn hiệu quả để tránh những hệ lụy như nợ xấu. NHNN sẽ bám sát mục tiêu tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, để nền kinh tế phát triển thì phải thúc đẩy kinh tế tư nhân trong nước phát triển. Nhà nước cần cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa để DN Việt Nam có niềm tin để có chiến lược đầu tư kinh doanh dài hạn, đầu tư KHCN, đào tạo nhân lực,… tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại mang lại. Nếu không, những cơ hội đó sẽ dành cho các DN nước ngoài (FDI). "Chúng ta đã có một số cải cách quan trọng, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng tốc độ và quy mô còn xa mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Điều cần thiết lúc này là tốc độ và quy mô cải cách đủ lớn để tạo ra một cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam", TS Nguyễn Đình Cung nói.