Số hóa truyền hình tại Hà Nội: "Vướng" quy định về tài chính?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 11/12/2015
Ngắt toàn bộ kênh analog
Theo kế hoạch của Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 5 thành phố trực thuộc TƯ là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh thực hiện ngắt sóng truyền hình analog từ ngày 1-1-2016. Hiện Đà Nẵng là thành phố đầu tiên ngắt sóng truyền hình tương tự (từ 1-11-2015).
Hà Nội đã có phương án số hóa truyền hình. Ảnh: Thái Hiền |
Một trong những vấn đề đặt ra là, theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), với phạm vi phủ sóng các kênh truyền hình analog hiện tại, khi ngắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, sẽ có 19 tỉnh bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình. Trong đó, có tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có tỉnh bị ảnh hưởng một phần, do người dân tại các tỉnh lân cận đang thu xem nhiều kênh truyền hình được phát sóng từ 4 thành phố này. Cụ thể, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An sẽ chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, đây lại là những địa phương thuộc nhóm thực hiện số hóa truyền hình giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3, tức là sẽ tắt sóng vào năm 2017 hoặc 2018.
Được biết, để khắc phục sự ảnh hưởng tới người dân, ngoài VTV, các DN là Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) và Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng (RTB) đã phát sóng truyền hình số tại các khu vực này. Trong đó, tại Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, RTB đã đầu tư hệ thống chuyển đổi tín hiệu các kênh chương trình sang chuẩn DVB-T2, phát sóng thử nghiệm 15 kênh tại Hà Đông trên kênh tần số K48. Công ty RTB cũng đang lắp đặt máy phát tại Hà Nội, Hải Phòng bảo đảm cho người dân thu xem được truyền hình số. Đài PTTH Hà Nội cũng đang tích cực thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình sang số hóa.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc chuyển đổi sang số hóa được hiệu quả, nên cuối tháng 10-2015, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình là Bộ TT-TT đã có thông báo thay đổi về thời điểm bắt đầu ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Theo đó, Hà Nội thực hiện ngắt sóng analog một số kênh (3 kênh VTV6, H2, VTC9) từ ngày 1-1-2016 và ngắt sóng analog toàn bộ kênh từ ngày 1-4-2016. Như vậy, so với kế hoạch, việc chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số được kéo dài thêm 3 tháng nữa.
Hà Nội dành 70 tỷ đồng hỗ trợ
Theo Sở TT-TT Hà Nội, trên địa bàn có 34.409 hộ nghèo theo tiêu chuẩn thành phố, 11.075 hộ nghèo theo chuẩn của TƯ; có 44.639 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố và 23.334 hộ cận nghèo theo chuẩn TƯ. Với các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn TƯ, kinh phí hỗ trợ mua đầu thu truyền hình số sẽ lấy từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Còn với các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn thành phố, Hà Nội sẽ lấy nguồn hỗ trợ từ ngân sách thành phố. Ước tính, thành phố sẽ dành số tiền từ ngân sách là 70 tỷ đồng để hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố.
Ngoài ra, trên địa bàn còn khoảng 13.000 hộ nghèo, cận nghèo và một số đối tượng gia đình chính sách, người có công chưa có ti vi, Sở TT-TT cũng đã báo cáo thành phố để xin chủ trương hỗ trợ, đồng thời kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng (trung bình hơn 3 triệu đồng/ti vi đã tích hợp sẵn đầu thu).
Như vậy, hiện có khoảng 79.048 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố cần được hỗ trợ đầu thu (chưa tính các hộ gia đình chính sách) cho thấy, việc thực hiện liên quan đến một số lượng thiết bị lớn và thực hiện không đơn giản. Nói không đơn giản là ở chỗ, do sử dụng tiền ngân sách (cả của ngân sách TƯ lẫn địa phương) nên toàn bộ việc mua thiết bị (là bộ chuyển đổi kỹ thuật số) phải thực hiện theo quy định về tài chính của Nhà nước là đấu thầu.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy nhanh quá trình mua sắm đầu thu kỹ thuật số, từ kinh nghiệm thực hiện số hóa tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa thành phố đã kiến nghị thành phố cho phép chỉ định thầu… Thêm nữa, cũng vì cần đến một khối lượng thiết bị lớn nên buộc các nhà sản xuất thiết bị trong nước phải sẵn sàng về cung ứng sản phẩm. Song, thông tin mới nhất từ cuộc giao ban báo chí chiều 8-12, thì đến nay vẫn chưa có quyết định về việc mua sắm thiết bị theo hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu.
Mặc dù đại diện Ban chỉ đạo cho biết, việc mua sắm thiết bị chuyển đổi kỹ thuật số sẽ bảo đảm theo yêu cầu, song câu hỏi đặt ra, đã gần hết năm mà các quy định về thủ tục vẫn chưa xong, vậy việc triển khai lắp đặt cho người dân sẽ được thực hiện thế nào?