"Biệt đãi", sinh nhờn
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:42, 11/12/2015
Chưa hết, báo chí đưa tin, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Tĩnh vừa lập biên bản yêu cầu Formosa ngừng cho thi công "tháp tinh thần Bảo Lũy" do chưa có giấy phép xây dựng. Công trình mọc lên tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, có tổng đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, với 1 tầng, cao 32m, bằng bê tông cốt thép. Công trình khởi công đầu tháng 10-2015, do Formosa Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Công ty Hòa Bình (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) là đơn vị thi công.
"Formosa Hà Tĩnh" là "ai"? Theo công bố trên Cổng thông tin điện tử Hà Tĩnh, đây là chủ đầu tư Khu gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, tổng mức đầu tư hàng tỷ USD, giai đoạn 1 gồm Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và Cảng nước sâu Sơn Dương công suất 30 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi đi vào hoạt động, đây là một trong những liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp khoảng 7,5 triệu tấn thép mỗi năm, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động…
Chính vì là chủ đầu tư một dự án rất lớn tại Hà Tĩnh, trong thời gian qua, Formosa đã được hưởng rất nhiều ưu đãi của cả Trung ương lẫn địa phương. Tuy nhiên, chính nhà đầu tư này cũng gây chú ý khi liên tiếp xin thêm ưu đãi như "lập đặc khu kinh tế", "nới" thuế phí, lập đội tàu riêng… Phải chăng vì được "biệt đãi" nên nhà đầu tư này sinh nhờn khi liên tiếp vi phạm các quy định quản lý nhà nước nói chung, vi phạm các quy định liên quan xây dựng, an toàn lao động, quản lý lao động… nói riêng? Cần nói thêm ở đây là vụ sập giàn giáo (sai phạm nghiêm trọng cũ) còn chưa được xét xử xong thì đã "tòi" thêm vụ Formosa xây dựng tòa tháp không phép.
Formosa Hà Tĩnh chỉ là một phần của thực tế đang diễn ra tại không ít tỉnh, thành phố: Để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, cơ quan chức năng các địa phương ban hành rất nhiều cơ chế ưu đãi, thậm chí đã có thời gian nhiều tỉnh còn "xé rào" - ban hành ưu đãi vượt quá thẩm quyền. Tình trạng "xé rào" đến mức Thủ tướng Chính phủ phải "tuýt còi", yêu cầu chấn chỉnh. Được ưu đãi quá nhiều có thể xem là biệt đãi và gắn liền với biệt đãi, không ít nhà đầu tư - nhất là những nhà đầu tư "vẽ" ra dự án có quy mô vốn, tác động kinh tế - xã hội lớn - liên tục vi phạm các quy định quản lý nhà nước. Vụ xây dựng tháp không phép nêu trên của Formosa Hà Tĩnh có thể xem là hệ lụy tất yếu của việc chủ đầu tư quá được nuông chiều.
Xây dựng một tòa tháp không phép kiểu nêu trên là khó có thể chấp nhận khi vụ việc - tiếp nối một loạt sai phạm của chủ đầu tư - thể hiện sự coi thường, bất chấp các quy định quản lý nhà nước. Đáng cảnh báo hơn ở chỗ vụ việc cho thấy đã đến lúc các địa phương cần xem lại các cơ chế, chính sách "trải thảm" đối với hoạt động đầu tư vì hôm nay chủ đầu tư nghiễm nhiên dám vi phạm ở nhiều lĩnh vực thì hoàn toàn có thể ngày mai, họ dám vi phạm ở lĩnh vực khác. Do đó, bất kể nhà đầu tư "đến từ đâu" (ODA, FDI, doanh nghiệp trong nước) thì đều phải tuân thủ và đều bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để vừa khuyến khích vừa hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, hoạt động, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc biệt đãi và nhắm mắt làm ngơ để đẻ ra những "đứa con hư" (doanh nghiệp) khinh nhờn pháp luật.