106.000 hộ nghèo tại Việt Nam được hưởng lợi từ dự án của tổ chức Đông Tây hội ngộ
Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 15:28, 10/12/2015
CHOBA được thực hiện trên 500 xã thuộc 10 tỉnh: Ninh Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hòa Bình và Sóc Trăng, trong thời gian từ 2012 - 2015, nhằm mục đích giúp người dân nghèo ở các vùng nông thôn tiếp cận với điều kiện vệ sinh tốt hơn và thúc đẩy việc thay đổi hành vi vệ sinh.
Một trong những yếu tố mang lại thành công cho dự án là phương pháp Hỗ trợ dựa vào kết quả đầu ra (gọi tắt là OBA). Đây là phương pháp tài chính, được áp dụng cho những nơi mà người sử dụng không có khả năng thanh toán toàn bộ chi phí các dịch vụ. Sau khi nghiệm thu chất lượng, tiền thưởng sẽ bù lại hoặc thay thế chi phí họ phải bỏ ra.
Đại diện các tỉnh nhận gói thưởng từ dự án (CHOBA) |
Sau 3 năm triển khai dự án, gần 106.000 hộ nghèo đã được xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó, 58 xã tăng tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh hơn 30%. Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch (HLHPNVN) cho biết: “Dự án này mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, giúp người nghèo tiếp cận điều kiện vệ sinh tốt hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, năng lực của địa phương cũng được nâng cao như nhận thức về vệ sinh môi trường, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng tuyên truyền, vận động, và kỹ năng công nghệ thông tin. Kết quả quan trọng dự án đạt được là làm thay đổi thói quen vệ sinh ở những gia đình, góp phần cải thiện điều kiện sống, sức khỏe của các thành viên trong gia đình, tạo lập sự tự tin trong cuộc sống của các gia đình nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo”.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục Trưởng Cục Quản lý Môi trường và Y tế chia sẻ: “Qua 3 năm hỗ trợ và làm việc với Tổ chức Đông Tây hội ngộ trong khuôn khổ dự án, chúng tôi thấy được tính hiệu quả rõ rệt trong cách tiếp cận và triển khai dự án. Dự án không chỉ giúp người dân địa phương nâng cao nhân cao nhận thức, thay đổi hành vi và tạo nhu cầu cho người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó với phương thức trả theo kết quả đầu ra đã tăng cường trách nhiệm của cấp chính quyền, đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, thực hiện công tác vệ sinh. Chính vì vậy, VIHEMA mong muốn tiếp tục hợp tác với Đông Tây hội ngộ và các đối tác phát triển khác để đúc kết bài học kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng mô hình này rộng rãi trong cộng đồng”.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi những bài học mang lại thành công cho dự án. Đó chính là sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương, quy chế dân chủ ở cấp cơ sở, sự minh bạch công khai trong quản lý tài chính, công tác xã hội hóa được quan tâm, hệ thống giám sát và đánh giá dự án khoa học, phương pháp thực hiện sáng tạo và đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ dự án tận tâm hết mình vì công việc.
Bà Võ Thị Hiền, Giám đốc Chương trình Vệ sinh, Đông Tây Hội Ngộ cho biết, “Dự án sẽ không thể thành công nếu không có sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía, từ các cơ quan Trung ương cho đến chính quyền địa phương. Chúng tôi rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ to lớn của nhiều đối tác quan trọng trong dự án. Họ luôn chia sẻ, sát cánh cùng chúng tôi để thực hiện một mong muốn chung là nâng cao chất lượng sống cho người dân Việt Nam”.