Tặng nhà cho con khi tuổi chưa thành niên

Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 10/12/2015

Tôi có một ngôi nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở mang tên tôi. Nay tôi muốn làm thủ tục tặng cho con trai (mới 9 tuổi), xin được hỏi: Khi làm thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng cần giấy tờ gì và con trai tôi làm thế nào

Tôi có một ngôi nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở mang tên tôi. Nay tôi muốn làm thủ tục tặng cho con trai (mới 9 tuổi), xin được hỏi: Khi làm thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng cần giấy tờ gì và con trai tôi làm thế nào để ký vào hợp đồng tặng cho? Sau khi đã làm thủ tục tặng cho con mà vẫn chưa làm thủ tục sang tên, khi có thay đổi, tôi có thể đơn phương hủy hợp đồng tặng cho đấy không?
Trịnh Thị Hảo (Huyện Chương Mỹ)

Trả lời:

Muốn thực hiện hợp đồng tặng cho ngôi nhà của chị cho con là người chưa thành niên, thì theo Bộ luật Dân sự 2005, để xác lập giao dịch trên cần có người đứng ra đại diện cho con chị. Đối với con chưa thành niên, cha mẹ vừa là người đại diện theo pháp luật vừa là người giám hộ (Điều 58 và Điều 141 Bộ luật Dân sự 2005). Tuy nhiên, người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó (Khoản 5 Điều 144).

Đối với trường hợp của chị, trong giao dịch thông qua hợp đồng tặng cho con mà con là người chưa thành niên, chị không thể tham gia với nhiều tư cách pháp lý: Vừa là bên tặng cho, vừa là người đại diện và giám hộ cho bên nhận tặng cho. Do đó, nếu chị muốn tặng ngôi nhà cho con thì chồng chị hoặc một người khác có đủ tư cách pháp lý làm người đại diện cho con chị thực hiện giao dịch tặng cho tài sản trên.

Các bước chị cần làm là:

- Lập hợp đồng tặng cho ngôi nhà có công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có người đại diện cho con chị ký tên xác nhận việc nhận tài sản tặng cho con chị. Việc tặng cho nhà phải đáp ứng các điều kiện luật định như căn nhà tặng cho không có tranh chấp, không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án và đã có giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, đồng thời cả hai vợ chồng chị phải đồng ý ký tên trong văn bản hay hợp đồng tặng cho (nếu là tài sản chung).

- Đối với người dưới 16 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận, nhưng kèm theo đó phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên. Như vậy, việc tên và cách ghi tên của người chưa thành niên được thể hiện trong giấy chứng nhận như thế nào là tùy thuộc cơ quan có thẩm quyền từng địa phương.

Nếu chị lập hợp đồng tặng cho mà chưa sang tên thì hợp đồng tặng cho chưa có hiệu lực, về pháp lý con chị vẫn chưa phải là chủ sở hữu căn nhà, nên chị có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng tặng cho. Theo Điều 465 và Điều 467 Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận. Việc tặng cho bất động sản (BĐS) phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật BĐS phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho BĐS có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Ban Bạn đọc