Hành trình tìm kiếm sự thừa nhận

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 10/12/2015

(HNM) - Nếu không có thay đổi thì ngày mai 11-12, lễ ký hợp đồng thi đấu cho CLB ở Giải vô địch Bóng đá hạng nhì Nhật Bản Yokohama FC của cầu thủ Nguyễn Tuấn Anh (CLB Hoàng Anh Gia Lai) sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Sau Tuấn Anh sẽ là lễ ký hợp đồng của Công Phượng với CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản) và có thể là của tiền vệ Lương Xuân Trường với một CLB đang thi đấu ở Giải vô địch Bóng đá Hàn Quốc. Đó là thông tin đáng mừng nhưng chưa đủ để chúng ta lạc quan thái quá.

Công Phượng tập làm quen với bài tập khá nặng - Ảnh: Gia Hưng



Việc Tuấn Anh được CLB Yokohama FC ký hợp đồng là câu chuyện thú vị. Ban đầu, thông tin đưa ra là đội bóng Nhật Bản muốn ký hợp đồng với Tuấn Anh và lãnh đạo hai CLB Yokohama FC lẫn Hoàng Anh Gia Lai đã thỏa thuận xong mọi việc. Nhiều người coi đây là thành công vượt bậc của bóng đá Việt Nam bởi trước đó, những vụ chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam như Lê Huỳnh Đức tới Lifan (Trung Quốc), Lê Công Vinh tới Consadole Sapporo (Nhật Bản) hầu như chỉ mang màu sắc thương mại. Còn giờ đây, cầu thủ trẻ Việt Nam đã được các CLB Nhật Bản săn đón thực sự. Tuy thế, sau đó, khi Tuấn Anh trải qua gần một tuần thử việc ở Nhật Bản rồi được chấp nhận ký hợp đồng, người ta có thể đã có một cái nhìn thực tế hơn về câu chuyện này.

Thực tế là trong nền bóng đá Nhật Bản, kể cả ở cấp độ trẻ, mẫu cầu thủ có trình độ như Tuấn Anh không phải là ít. Việc Tuấn Anh so tài cùng nhiều cầu thủ ngoại khác ở CLB Yokohama FC trong thời gian qua cho thấy hành trình để khẳng định mình của các cầu thủ Việt Nam ở Nhật Bản vẫn còn gian khó. Kể cả khi được Yokohama FC ký hợp đồng thì cầu thủ này vẫn trong vai người học việc trước khi mong trở thành ngôi sao trong làng bóng đá Nhật Bản. Chưa kể, việc Tuấn Anh tới Yokohama FC cũng có màu sắc trao đổi, hợp tác thúc đẩy thương hiệu cho cả hai đội. Chẳng thế mà cách đây ít ngày, một tiền vệ của CLB Nhật Bản này, thi đấu đúng vị trí của Tuấn Anh, đã chuyển sang thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai.

Chuyện của Tuấn Anh cũng gây ồn ào như khi có tin Công Phượng chuyển sang CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản) hay chuyện Lương Xuân Trường được một CLB của Hàn Quốc đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia hẳn hoi sẵn sàng bỏ ra 300.000 USD phí chuyển nhượng cũng có bóng dáng lý do khác ngoài chuyên môn. Gần đây, HLV Lê Thụy Hải đã đưa ra nhận định rằng nếu nói sòng phẳng thì chưa cầu thủ Việt Nam nào đủ trình độ thi đấu tại các giải bóng đá cấp độ cao nhất của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vị HLV này cũng nhận định rằng với trình độ như Xuân Trường thì bóng đá Hàn Quốc có rất nhiều cầu thủ. Mặt khác, thông tin Xuân Trường được CLB xứ Kim chi mời ký hợp đồng đến sau khi có thông tin rằng các trận đấu trong khuôn khổ Giải vô địch Bóng đá Hàn Quốc sẽ lên sóng truyền hình Việt Nam kể từ mùa bóng 2016. Vì vậy, không loại trừ việc chiêu mộ Xuân Trường của CLB Hàn Quốc nói trên là "một công đôi việc", ngoài lý do chuyên môn còn có mục tiêu phát triển thương hiệu CLB. Bởi vậy, sau khi các bản hợp đồng chuyển nhượng Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh được hoàn tất, việc CLB mới sử dụng các cầu thủ này như thế nào là điều đáng quan tâm. Nếu các cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu mùa bóng mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc với vai trò "dự bị dài hạn" - điều mà tiền đạo nổi tiếng Lê Công Vinh từng nếm trải trong màu áo Consadole Sapporo - thì đó cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.

Việc các cầu thủ trẻ của chúng ta có cơ hội được thi đấu ở những nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thực sự là điều đáng mừng cho bóng đá Việt Nam, cho thấy sự tiến bộ nhất định ở họ. Tuy nhiên, chúng ta nên đánh giá đúng tính chất sự việc để không ngộ nhận, không chủ quan, không tung hô quá đà để người trong cuộc chệch hướng phấn đấu.

Minh An