Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015: “Mất tích”... 200.000ha?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 10/12/2015

(HNM) - Thực hiện kế hoạch của Chính phủ trồng mới 5 triệu héc ta rừng, các địa phương đã tích cực trồng mới phủ xanh đất trống, đồi trọc, qua đó giải quyết vấn đề an sinh, xã hội cho nhiều địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ươm cây giống phục vụ công tác trồng rừng.


Tuy vậy, năng suất, chất lượng rừng vẫn thấp, chủ yếu là rừng nghèo; diện tích trồng rừng nhiều nhưng mất cũng không ít do chuyển đổi sai mục đích sử dụng… Đây là những nội dung được đưa ra tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 9-12.

Số liệu vênh nhau?

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, kết quả trồng mới 5 triệu héc ta rừng đạt được thấp hơn so với mục tiêu đề ra do có sự phấn đấu không đồng đều. Trong khi diện tích ở nhiều địa phương tăng rõ rệt, có nơi tăng 13% như Bắc Kạn, ngược lại diện tích rừng ở Tây Nguyên giảm mạnh dẫn đến tổng diện tích và tỷ lệ độ che phủ rừng cả nước không đạt yêu cầu. So với kết quả kiểm kê rừng năm 2013 tại 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương cho thấy, tổng diện tích rừng giảm 157.959ha và tính chung cả giai đoạn thì khu vực Tây Nguyên giảm 318.000ha.

Lý giải về số liệu diện tích rừng vênh nhau giữa điều tra năm 2013 và hiện nay, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 5 năm (2010-2014), cả nước trồng mới 1.181.000ha rừng nhưng tổng diện tích rừng bị mất là 773.000ha do chuyển đổi theo quy hoạch của địa phương, chủ yếu là phát triển thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp, du lịch và do hoạt động khai thác, phá rừng, cháy rừng... Theo tính toán, trong 5 năm qua, diện tích rừng trên cả nước chỉ tăng hơn 408.000ha. Nhưng sau khi điều tra kiểm đếm phát hiện cả nước có tới gần 200.000ha rừng bị "mất tích" so với số liệu báo cáo năm 2013, trong đó riêng khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm khoảng 70% với 135.000ha mà không giải thích được lý do hoặc báo cáo sai.

Mặt khác, có đến 80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, sản lượng gỗ rừng trồng bình quân 70-80m3/ha/chu kỳ khai thác (4-6 năm), giá trị thu nhập trên 1ha rừng trồng thấp, bình quân chỉ đạt khoảng 7-8 triệu đồng/ha/năm; 90% trữ lượng gỗ thuộc các nhóm gỗ tạp còn gỗ có chất lượng chỉ chiếm 10%. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho biết, các lâm trường quốc doanh trước đây sau khi đã sắp xếp lại, chuyển thành công ty lâm nghiệp vẫn chưa được tự chủ kinh doanh, không có khả năng tiếp cận vốn vay sản xuất. Hỗ trợ đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thấp, không phù hợp với giá cả thực tế và định mức kinh tế kỹ thuật của ngành.

Một vấn đề có liên quan như việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao đã bị chuyển đổi mục đích khác nhưng chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời. Đại diện tỉnh Lâm Đồng cho biết, là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn, nhưng diện tích để trồng rừng lại manh mún, suất đầu tư cho trồng rừng thấp, 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc chỉ đầu tư khoảng 15 triệu đồng/ha, nên khó khăn cho địa phương triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Siết chặt quản lý

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển rừng và triển khai kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý rừng theo quy hoạch, nhất là quản lý chặt chẽ đất lâm nghiệp. Cùng với đó, cơ cấu lại 3 loại rừng theo hướng, chuyển diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất, diện tích khoảng 1-1,2 triệu héc ta.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải băn khoăn trước thực trạng công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, tỷ lệ độ che phủ rừng không đạt mục tiêu 42-43% và kết quả không đồng đều giữa các địa phương. Trong khi đó, nạn phá rừng do lâm tặc còn nhiều, chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Công tác đo đạc, kiểm kê vẫn còn mang tính thủ công nên cho số liệu chênh lệch về diện tích rừng, cần nhanh chóng chuyển sang kiểm kê đo đạc bằng bản đồ số để có số liệu thực, giúp đánh giá chính xác về diện tích trồng mới và chất lượng rừng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, để chương trình bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả bền vững, cần nâng cao mức thu nhập cho người dân trồng rừng, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp như nông nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp vào thuê đất rừng của người dân thay vì Nhà nước thu hồi để giao cho doanh nghiệp. Cùng với đầu tư nguồn lực trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ... cần tiếp tục đầu tư trồng rừng ven biển để ứng phó nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Kiên quyết kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và việc mua bán đất lâm nghiệp trái phép kể cả đối với đất đã được giao cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Sau 5 năm triển khai kế hoạch của Chính phủ về trồng mới 5 triệu héc ta rừng, ngành Lâm nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt: Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng 1,5 lần, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên thành 6,54 tỷ USD năm 2014 và ước đạt 6,8-7 tỷ USD trong năm 2015. Độ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 39,7% năm 2011 lên 40,73% năm 2015. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục triển khai kế hoạch của Chính phủ, mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng hiện có, đồng thời trồng hơn 1 triệu héc ta.

Ngọc Quỳnh