Hội nghị COP 21: Kỳ vọng vào thỏa thuận cuối cùng
Thế giới - Ngày đăng : 06:51, 10/12/2015
Với mức cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm của nước này, một số nhà máy ở Bắc Kinh sẽ phải dừng hoặc hạn chế sản xuất, hoạt động xây dựng ngoài trời sẽ bị cấm. Các trường tiểu học và mẫu giáo được khuyến cáo cho học sinh nghỉ học trong khi các loại xe cộ sẽ bị cấm hoặc hạn chế lưu thông. Rõ ràng, Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy nhiên, khi cả thế giới cùng chia sẻ một bầu khí quyển thì hiểm họa không chỉ đang rình rập nền kinh tế số hai thế giới.
Khói bụi ô nhiễm bao trùm thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Trước tình trạng trên, Hội nghị COP 21, cuộc họp lớn nhất giữa các nhà lãnh đạo thế giới nhằm mục đích đạt được một thỏa thuận hãm đà tăng nhiệt toàn cầu đang trở nên cấp thiết hơn. Hiện tại, các bộ trưởng của hơn 190 nước trên thế giới đang chạy đua với thời gian để vượt qua những bất đồng, bao gồm cách thức hỗ trợ chi phí ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu đối với các quốc gia đang phát triển, giới hạn nhiệt độ nóng lên toàn cầu, phân chia trách nhiệm giữa các quốc gia giàu - nghèo và biện pháp đánh giá tiến trình thực hiện cam kết cắt giảm khí thải. Đa số nước thành viên đã công bố các cam kết quốc gia về mức giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng những cam kết đó thì Trái đất vẫn sẽ nóng lên khoảng 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, các nhà khoa học lo lắng rằng, nếu vượt mức 2 độ C thì các vùng khô hạn hay nhiều lũ lụt, những vùng bị xói mòn… sẽ không thể thích ứng được.
Hỗ trợ tài chính của các nước giàu có cho các nước nghèo cũng là những vấn đề gai góc. Năm 2009, các quốc gia giàu có cam kết kể từ năm 2020 sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển 100 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng kế hoạch gây quỹ hỗ trợ vẫn chưa rõ ràng do những bất đồng liên quan đến cách tiếp cận vấn đề. Các nước nghèo cho rằng, Trái đất nóng lên là do các nước có ngành công nghiệp phát triển. Vì thế, các nước đó phải tạo ra quỹ bồi thường cho các nước là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Nhưng Mỹ và các nước Tây Âu chống lại quan điểm này. Theo họ, nước đang gây ô nhiễm nhất hiện nay là Trung Quốc, không phải các nước có ngành công nghiệp phát triển.
Dẫu vậy, việc hai quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu có những cam kết cắt giảm lượng khí thải là một tín hiệu khả quan cho Hội nghị COP năm nay. Trung Quốc là quốc gia thải nhiều khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới, vượt xa quốc gia thải khí nhiều thứ hai là Mỹ. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn chưa muốn tham gia các hiệp ước hoặc nghị định thư quốc tế nhằm giảm bớt tình trạng này. Theo tính toán, Trung Quốc chiếm tới 28% lượng phát thải khí CO2 toàn cầu. Và tại COP năm nay, nước này đã "dõng dạc" tuyên bố sẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP từ 60-65% trước năm 2030. Theo Bloomberg, mục tiêu này đối với quốc gia đông dân nhất thế giới quả thực ít tham vọng so với mục tiêu phát triển kinh tế. Việc Trung Quốc có thiện chí trong thương lượng lần này không nằm ngoài lý do ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh và nhiều vùng khác đã liên tục phá kỷ lục.
Ngay sau Trung Quốc là Mỹ, cường quốc thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới. Quốc gia này sẽ phải có những hành động và cam kết mạnh mẽ, đúng đắn hơn trước những hậu quả đã gây ra thời tiền công nghiệp. Mỹ chiếm 14% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu nhưng nếu tính trên đầu người, con số này có thể còn nhiều hơn. Đến với COP 21, Mỹ đã hứa hẹn sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống 26-28% tính tới năm 2025 so với mức phát thải năm 2005. Đây chắc chắn sẽ là một cam kết mang lại hy vọng tốt đẹp hơn nếu xem xét rằng, con số cắt giảm trên ứng với mỗi người dân Mỹ.
Các nhà quan sát nhận định, không khí Hội nghị COP 21 đang khả quan dần. Đại diện các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều tin tưởng vào khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện, đầy tham vọng và có tính ràng buộc cao trong ngày hôm nay 10-12. Trong bối cảnh Trái đất đang bị tàn phá bởi thiên tai nghiêm trọng và con người trở thành nạn nhân trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, một thỏa thuận cuối cùng đạt được ở COP 21 sẽ cứu những hệ sinh thái chính là những lá phổi xanh của Trái đất và tránh cho cuộc sống của 7,3 tỷ người khỏi hiểm họa của thiên tai có thể ập xuống bất cứ lúc nào.