Thưởng thức tranh theo trường phái hiện thực

Văn hóa - Ngày đăng : 11:19, 09/12/2015

(HNMO)- Vào chiều ngày 10/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ( số 66, Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ diễn ra cuộc triển lãm tranh của nhóm Hiện Thực. Triển lãm sẽ trưng bày gồm 29 tác phẩm của 13 họa sĩ tham dự.

Triển lãm sẽ trưng bày gồm 29 tác phẩm của 13 họa sĩ tham dự: Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Ngô Xuân Chính, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Toán Nguyễn, Lưu Tuyến, Quảng Tâm, Trần Thức…

Tranh của họa sĩ Quảng Tâm


Trong sáng tác nghệ thuật, cảm xúc hay tình yêu chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng là phương tiện truyền đạt có đủ hấp dẫn người xem hay không. Phong cách hiện thực có thể nói nó là một lợi thế để hiện thực hóa ý tưởng, dễ xem dễ hiểu. Tuy nhiên, để vẽ được như ý muốn, hoặc đơn giản là vẽ như thật thì không hề đơn giản chút nào.

Dấn thân vào hiện thực cũng coi họa sĩ tự trói mình vào giá vẽ, tự trói mình vào những giới luật, nguyên tắc khắt khe của nền tảng tạo hình, như hình bố cục, màu sắc hay kỹ thuật diễn tả. Họa sĩ khi đã chọn con đường này không gì hơn là học và thực hành liên tục và như một lẽ đương nhiên, quá trình sáng tạo không thể đốt cháy giai đoạn.

Tác phẩm của họa sĩ Phạm Bình Chương


Hơn một năm trước, Nhóm Hiện Thực ra đời. Ban đầu họ đến với nhau trong sự bối rối. Cái bối rối thứ nhất, đó là sự gặp nhau của những kẻ vốn đã quen với lối làm việc độc lập, với tính cách thường trầm lắng. Cái bối rối thứ hai, đó là sự tập hợp của những phong cách khác nhau ( hiện thực, cường thực, siêu thực…) khi hội tụ lại sẽ tạo nên cái gì, và sẽ đi đến đâu.

Tranh của Nguyễn Văn Bảy


Con đường đi của từng người do họ tự chọn, Nhóm không thể can thiệp. Trong các hoạt động chung, họ không đưa ra một tiêu chí cụ thể về định hướng sáng tác, nhưng tri thức thì có thể chia sẻ. Ngoài trau dồi về kỹ thuật, các thành viên sẽ được cùng nhau bổ sung về kiến thức, như lịch sử mỹ thuật, hoặc các ngành liên quan như văn học, triết học…Đã là tri thức thì nó luôn cần thiết, đặc biệt với người làm nghệ thuật. Ngoài ra, việc gặp gỡ và chia sẻ công việc thường xuyên đã giúp việc đánh giá tác phẩm trở nên dễ dàng. Hơn nữa, nó còn thúc đẩy lòng yêu nghề của từng cá nhân.


Một năm chưa nói lên điều gì, nhưng ít nhất Nhóm Hiện Thực đã có những người bạn đồng hành, sản phẩm và thành quả ra mắt là cuộc triển lãm nhóm đầu tiên.

Họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ: “Cuối cùng, cái mục đích lớn lao nhất, không phải là chúng tôi muốn tạo một Nhóm để gây chú ý, hay tạo một phong trào mang tính bề nổi mà là chính tạo điều kiện tốt nhất một họa sĩ biểu hình có thể trưởng thành vững vàng, có niềm tin vào con đường mình chọn”.

T.Minh