Phát triển nhà ở xã hội: Giúp người dân ''an cư, lạc nghiệp''
Bất động sản - Ngày đăng : 05:36, 18/09/2022
Giấc mơ an cư
Trưa ngày 8-9, chị Nguyễn Thị Thuận (thuê trọ ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) vừa đón con đi học về thì trời đổ mưa lớn. Trong căn phòng trọ rộng chừng 40m2 được ngăn ra thành 3 ô để làm phòng khách, phòng ngủ và phòng vệ sinh, 2 đứa trẻ ngồi cắt vỏ hộp bánh để nghịch. Còn 2 ngày nữa là đến Tết Trung thu, khi được hỏi, cháu Nguyễn Khánh Thiên (sinh năm 2015) dừng tay cắt vỏ hộp bánh trả lời rằng đây là hộp bánh bố mua, giờ chỉ còn 1 chiếc.
Người mẹ trẻ cho biết, cả gia đình hiện chỉ trông vào khoản lương chừng 10 triệu đồng/tháng của chồng (anh Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1987, đang làm ở Công ty TNHH Toto Việt Nam - Khu công nghiệp Thăng Long). Trước đây, chị Thuận làm công nhân cho Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long), nhưng khi xảy ra dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, chị phải nghỉ việc ở nhà trông con. Tiền thuê trọ là 1 triệu đồng, tiền điện nước mỗi tháng hơn 1 triệu đồng nữa, tiền học cho cháu lớn Khánh Thiên cũng hơn 1 triệu đồng. Để có thêm thu nhập lo cho gia đình, gần đây, chị Thuận bán quần áo online.
Quan sát thấy phòng khách và phòng ngủ đều lắp điều hòa, tôi hỏi: Đời sống công nhân giờ cũng khá rồi còn gì? Phòng nào cũng có điều hòa. Thuận nói: “Không lắp thì những hôm nóng các cháu không ngủ được, nhưng cũng chỉ bật khi thật nóng thôi ạ. Giá điện cao lắm, những 3.000 đồng/kwh anh ạ. Tháng nóng nhất, nhà em cũng chỉ dám chi hơn 1 triệu đồng cho tiền điện. Giá nước sạch cũng tới 18 nghìn đồng/m3”. Thuận cho biết thêm, sở dĩ hai vợ chồng thuê nhà trọ xa chỗ làm là vì giá thuê rẻ hơn (so với thuê ở xã Kim Chung cùng huyện Đông Anh); môi trường sống ở đây cũng thuần hơn, yên tâm cho con cái học hành. Đó là lý do không ít cặp công nhân sau khi lập gia đình, có con cũng chuyển thuê nhà ở xa công ty một chút dù vất vả hơn trong việc đi lại. Tuy nhiên, cặp vợ chồng trẻ này đang bàn tính tới việc hết năm nay sẽ chuyển về quê (huyện Lý Nhân, Hà Nam) vì với mức thu nhập và chi phí sinh hoạt hiện nay, sẽ rất khó có thể mua nhà sống ổn định lâu dài ở đây.
Cách đó không xa, cặp vợ chồng trẻ Hàng Ngọc Oanh (sinh năm 1991) và Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1995), cùng quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa cũng có suy nghĩ khá tương đồng. Đó là chấp nhận thuê nhà xa công ty nhưng có môi trường an lành hơn cho con cái. Lương của cả hai vợ chồng chỉ chừng 15 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí thuê nhà, điện nước, gửi con đã ngốn mất cỡ 1/3. Mỗi tháng, phấn đấu tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng (nếu không đau ốm, không có việc đột xuất), ước mơ mua nhà là khá xa vời khi giá đất tại khu vực đã lên tới 30 - 40 triệu đồng/m2.
Đó chỉ là hoàn cảnh của 2 trong nhiều gia đình công nhân hiện nay ở thành phố. Trên quy mô toàn quốc, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, cả nước có 392 khu công nghiệp với hơn 2,7 triệu công nhân, trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.
Khắc phục tồn tại, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa cao, sức hút mạnh đối với lực lượng lao động tại các khu đô thị lớn sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở xã hội có giá phù hợp tiếp tục tăng. Với giá nhà đất và thu nhập của công nhân, người lao động ở mức thấp như hiện nay, họ rất khó mua nhà ở thương mại để “an cư, lạc nghiệp”, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội. Nghiên cứu của một số đơn vị bất động sản thời gian qua cho thấy, giá nhà chung cư tại Hà Nội gần đây có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời điểm chững. Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung nhà ở giá rẻ đang rất thiếu, đặc biệt là các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại các dự án hiện hữu đã hết và không có nguồn cung mới.
Thông báo số 242/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương, doanh nghiệp, những năm qua, hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2 nhà ở) đã hoàn thành, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện về nhà ở, có chỗ ở an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ này. Đó là cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn; trình tự, thủ tục đầu tư còn rườm rà... Chúng ta chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội, các chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp...
Chính phủ đã xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là đạo đức của người làm công tác quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Cần thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các địa phương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu. Các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Phân cấp, phân quyền, rà soát các thủ tục hành chính; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Một thông tin vui được UBND thành phố Hà Nội công bố đầu tháng 8 là thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 2 khu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương và Khu nhà ở xã hội thành phố kết nối xanh - Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Các khu nhà ở xã hội trên nằm trong quy hoạch 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng quy mô khoảng 272,45ha đất đã được phê duyệt. Ba khu nhà ở còn lại là khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) đang được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết.
Dự kiến, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 1 - 2 khu nhà ở xã hội tập trung và chuẩn bị đầu tư đối với các khu còn lại.