Công bố 5 đơn vị sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn VietGAP
Kinh tế - Ngày đăng : 16:42, 07/12/2015
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để chuẩn bị hàng hóa cho Tết Bính Thân, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã liên kết với các nhà sản xuất ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Tây Nam bộ chuẩn bị hơn 16.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa, tăng 462 tỷ đồng (2,9%) so Tết 2015; trong đó, giá trị hàng bình ổn thị trường đạt 6.863,9 tỷ đồng. Với số lượng hàng dự trữ này, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cam kết đảm bảo tốt nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được bình ổn trong 1 tháng trước và 1 tháng sau tết.
Hàng hóa đạt chuẩn VietGAP được phân phối tại Co.opmart |
Dịp này, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng công bố 5 đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đạt tiêu chuẩn VietGap. Trong đó, 3 đơn vị sản xuất gồm: Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nông nghiệp Anh Đào, Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; và 2 đơn vị phân phối là Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (SaigonCo.op), Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra).
Theo đại diện của Saigon Co.op, hiện đơn vị này đang có 176 điểm bán hàng nhu yếu phẩm đạt chuẩn an toàn và thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn VietGap, VietGap nhãn xanh, gồm 78 siêu thị Co.opmart phân bố trên cả nước và 2 Co.opXtra, 96 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh. Từ ngày 7/12/2015, đơn vị này cũng sẽ sẽ tăng cường đưa vào kinh doanh mặt hàng thịt lợn đạt chứng nhận VietGap cho tất cả Co.opmart, Co.opXtra và Coop Food.
Công ty Vissan cũng công bố cung cấp thịt lợn đạt VietGAP tại 221 điểm bán thịt tươi sống trên địa bàn thành phố. Theo Vissan, trung bình mỗi ngày đơn vị này đưa ra thị trường khoảng 35 tấn thịt VietGAP. Nguồn lợn được hợp đồng thu mua tại các trang trại lợn đã được chứng nhận VetGAP. Từ ngày 7-12, Vissan cũng công bố đưa ra thị trường thịt bò Úc nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn ESCAS (quy trình giết mổ nhân đạo và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm).
Tại Hội nghị, các nhà sản xuất cho biết vẫn còn khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP vì giá thành cao hơn các sản phẩm thông thường khác. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food cho biết, giá thành sản xuất sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn cao hơn sản phẩm thường vì nguồn nguyên liệu đắt hơn, chưa kể các chi phí vận hành phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường… Bà kiến nghị Bộ Công thương và TP Hồ Chí Minh hỗ trợ DN hệ thống nhận diện, tạo ra sự khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm sạch, không bị đánh đồng trên thị trường.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Công thương có chính sách hỗ trợ ban đầu cho những DN phân phối thực phẩm sạch như ưu đâĩ mặt bằng… để thực phẩm sạch dễ dàng đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, việc công bố chuỗi ATVSTP là giai đoạn đầu trong quy trình đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Sở Công thương thành phố sẽ đồng hành cùng nhà sản xuất trong các công đoạn sản xuất như hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và giám sát tại nguồn, cùng tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn ATVSTP đưa ra thị trường.
Tại Hội nghị, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng ký bản thỏa thuận hợp tác thương mại với 20 tỉnh, thành khu vực Nam bộ giai đoạn 2016-2020.