Trẻ bị viêm họng do dị ứng, nhiễm virus: Tuyệt đối không nên uống kháng sinh

Xã hội - Ngày đăng : 15:12, 07/12/2015

(HNMO)-Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng, chỉ cho trẻ dùng kháng sinh khi thầy thuốc khám, xác định trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn. Trẻ viêm do dị ứng và do nhiễm virus, tức cảm lạnh, không cần thuốc kháng sinh.


Chiều nay (7/12), PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng, nguyên Phó khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên bộ môn Nhi-Đại học Y Hà Nội đã trả lời độc giả báo Hànộimới Điện tử các nội dung liên quan đến cách phòng bệnh mùa đông và sử dụng thuốc đúng cách cho trẻ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng, chỉ cho trẻ dùng kháng sinh khi thầy thuốc khám, xác định trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn. Nếu trẻ viêm do dị ứng và do nhiễm virus, tức cảm lạnh, không cần thuốc kháng sinh.

-Để phòng viêm mũi, viêm họng, ho cho con, hàng ngày tôi thường rửa mũi cho cháu bằng muối sinh lý nhưng lại có ý kiến cho rằng rửa mũi hàng ngày như vậy không tốt. Xin bác sỹ cho biết, tôi vệ sinh mũi cho cháu như thế có được không? (độc giả Ánh Hà, quận Long Biên).


-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng:
Vệ sinh mũi họng là thói quen tốt, có tác dụng góp phần phòng chống bệnh lý đường hô hấp, cả ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, cần tiến hành đều đặn và đúng cách, không quá “tích cực” làm trẻ sợ và nhất là làm giảm sự bảo vệ tự nhiên của đường hô hấp, nhất là ở mũi có lớp nhầy bảo vệ rất cần thiết vì có tác dụng “che chở” cho niêm mạc mũi non yếu của trẻ tránh bớt sự tấn công của những yếu tố bất lợi bên ngoài như bụi, gió, nóng, lạnh. Vậy vệ sinh thế nào là đúng?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng, nguyên Phó khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên bộ môn Nhi-Đại học Y Hà Nội


Lúc bình thường, xịt rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý y học (Xixat của VM, tốt nhất là Sterimart hay Humer của Pháp vì tia đủ mạnh hơn), xịt 1 lần, dùng tăm bông lau nhẹ để lấy các cục nhầy đặc bẩn và nhất là lớp nhầy mũi chứa nhiều bụi bặm, chất gây độc gây dị ứng mà lớp nhầy này đã giữ lại, sau đó xít lại một lần. Chú ý, không cần và không nên hút mũi sau xịt vì dịch sẽ tự chảy ra sau hoặc ra trước, không sợ ứ lại vì mũi giống như một cái ống có lỗ thông ra 2 phía sau và trước. Hút nhiều gây sợ hãi cho trẻ và có thể gây xây xước niêm mạc.

Lúc trẻ bị viêm nhiễm hô hấp và lúc trẻ cần điều trị bằng các thuốc qua đường xịt mũi (viêm mũi cấp, viêm mũi dị ứng), cần hỏi ý kiến thầy thuốc mình đến khám khi họ kê đơn điều trị cách săn sóc mũi. Thông thường, nên xịt rửa mũi 3 lần/ngày, với lượng dịch nhiều hơn, hoặc trước mỗi lần xịt thuốc.

Không nên bơm rửa mũi trẻ bằng ống bơm tiêm vì tia yếu không đủ làm bong lớp nhầy và lượng nước quá nhiều gây sặc hoặc tràn vào các xoang mặt gây đau hoặc khó chịu cho trẻ.

-Xin bác sỹ cho biết làm thế nào để phòng bệnh cho trẻ hiệu quả trong mùa đông? (Hồng Mai, quận Thanh Xuân)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Phòng bệnh cho trẻ trong mùa đông bao gồm việc phòng bệnh chung cho cả 4 mùa: Tiêm phòng đầy đủ và đúng thời điểm, bổ sung vitamine D đủ và đúng, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 5-6 tháng đầu và kéo dài đến 2 năm hoặc hơn, ăn bổ sung đa dạng đủ các chất, mặc đủ ấm/đủ mát, hạn chế tối đa sự tấn công của các yếu gây hại như nắng/nóng/lạnh bằng cách mang khẩu trang, che nắng khi đi ra ngoài mùa hè, mặc ấm mùa đông, đặc biệt chú ý bàn chân/bàn tay và mặt, chỗ ở thông thoáng và cần tránh khói, nhất là khói thuốc lá và khói than bếp trong nhà.

Ngoài ra, vì mùa đông trời lạnh, làm giảm sức đề kháng chung của cơ thể và làm yếu sức bảo vệ của da và niêm mạc, cộng thêm sự phát triển mạnh của các yếu tố vi sinh gây bệnh, đặc biệt là siêu vi trùng (virus) là loại vi sinh vật phát triển mạnh và gây bệnh nhiều khi có yếu tố thiên nhiên phù hợp (lạnh) với sự phát triển của chúng và cơ thể con người yếu đi do lạnh. Vì vậy, ngoài phòng bệnh chung, cần lưu ý tránh cho trẻ dễ bị nhiễm lạnh (mặc đủ ấm, tránh gió lùa, tránh ra lạnh đột ngột), nhất là khi trẻ phải đi ra ngoài, cần đảm bảo mặc ấm và mang khẩu trang dày, đeo kính cho trẻ. Ngoài ra, ăn uống cũng cần lưu ý thức ăn/uống đủ ấm, ăn tăng khẩu phần 10-15% bình thường. Đặc biệt tránh để gió lùa và độ ẩm quá cao trong nhà (nhà phải đủ thoáng) và ấm.

-Có bác sỹ cho rằng mùa hè nên cho trẻ uống nước lạnh để cơ thể trẻ thích nghi nhưng có bác sỹ khuyên không nên cho trẻ uống nước lạnh, vì như thế dễ bị viêm họng. Ý kiến của bác sỹ về vấn đề này? (Nguyễn Huyền, quận Đống Đa)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Cơ thể lúc nào cũng sẵn sàng thích nghi với điều kiện sống, nhưng cơ thể trẻ có khả năng thích nghi kém hơn nhiều so với người trưởng thành. Vì vậy, mọi thay đổi đột ngột đều có hại cho cơ thể con người nói chung và đặc biệt cho cơ thể trẻ. Uống nước mát trong mùa hè, nước ấm trong mùa đông là hợp lý. Nhưng nếu cho trẻ ăn/uống quá lạnh trong mùa hè cũng như thức ăn/nước quá nóng trong mùa đông đều rất có hại. Cơ thể không thể “thích nghi” với những “cú đấm trời giáng” như vậy. Tóm lại, mọi thứ đều phải vừa phải, đúng mức độ. Cổ nhân có câu “Thái quá bất thành” (all exces’s bad). Câu này đúng cả cho chuyện ăn/uống quá nóng/lạnh, cho mọi người, đặc biệt cho trẻ em.

-Bé nhà em được 2,5 tuổi, hay bị viêm họng. Mỗi khi cháu viêm họng, em thường ra hiệu thuốc mua thuốc hoặc mượn đơn thuốc cho trẻ gần nhà khi thấy trẻ đó có dấu hiệu ho giống bé nhà em. Em làm như vậy có được không, thưa bác sỹ, vì sao? (Hồng Minh, quận Cầu Giấy)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi bị viêm đường hô hấp chủ yếu hơn 80% do nguyên nhân siêu vi trùng là điều kiện thuận lợi làm tăng tình trạng dị ứng ở những trẻ có cơ địa dị ứng. Vì vậy, nếu cứ điều trị kháng sinh thì hơn 80% là không đánh trúng nguyên nhân, chưa kể không đưa trẻ đi khám để thầy thuốc xác định tình trạng bệnh qua thăm khám và một số xét nghiệm tối thiểu nếu cần, mà cứ tự mua thuốc hoặc dùng đơn cũ hay mượn đơn của trẻ có triệu chứng tương tự thì khả năng sai gần như chắc chắn. Mặt khác, việc dùng thuốc kháng sinh tùy tiện như vậy sẽ làm tăng tỷ lệ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh trong cộng đồng, dẫn đến việc sau này nếu điều trị đúng thuốc đúng bệnh cũng không khỏi nữa.

-Xin hỏi bác sỹ: Trẻ ho như thế nào thì phải uống thuốc, như thế nào thì không phải uống thuốc? Và ho như thế nào thì cần uống thuốc kháng sinh? (Minh Hà, quận Nam Từ Liêm)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Chúng ta biết ho là phẩn xạ tự nhiên có tính bảo vệ và mang tính sống còn đối với cơ thể để đào thải các yếu tố bất thường xuất hiện trên toàn bộ đường hô hấp. Vì vậy, cần tôn trọng ho, nhất là khi trẻ bị viêm đường hô hấp, có nhiều dịch xuất tiết chứa cả vi khuẩn, virus hay chất gây dị ứng cần được tống ra ngoài qua động tác ho. Tuy nhiên, khi trẻ ho quá nhiều, cản trở giấc ngủ, ăn uống, thậm chí nôn trớ thì cần điều trị giảm bớt cường độ ho và tần suất cơn ho, bằng các thuốc nam dược (nước sắc hoa hồng, nước hấp lá hẹ, thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Chỉ dùng kháng sinh khi thầy thuốc khám, xác định có biểu hiện nhiễm khuẩn (vì viêm do dị ứng và do nhiễm virus, tức cảm lạnh, không cần thuốc kháng sinh).

-Khi cho trẻ uống kháng sinh, có phải uống hết liều không hay trẻ đỡ hoặc khỏi là có thể dừng uống? Nếu cho trẻ uống thuốc không hết liều sẽ ảnh hưởng như thế nào? Có phải khi trẻ uống thuốc kháng sinh cần uống kèm với men tiêu hóa để trẻ không bị táo bón hoặc bị đi ngoài không? (Minh Huyền, quận Cầu Giấy)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Việc chỉ định dùng kháng sinh đã rất nghiêm ngặt, nhưng việc tuân thủ liệu trình điều trị lại càng cần thiết hơn để bệnh khỏi hoàn toàn và vi khuẩn không chỉ “ngắc ngoải” rồi trở nên kháng thuốc (nhờn thuốc kháng sinh) gây hậu quả trực tiếp cho trẻ (lần ấy không khỏi hẳn, lần sau không có tác dụng) và cả cho cộng đồng (vi khuẩn kháng thuốc tiên phát trước khi điều trị vì lây nhiễm từ người dùng kháng sinh không đủ liều trước đó).

Việc dùng men tiêu hóa vi sinh nhằm lập lại cân bằng hệ vi khuẩn lành tại ruột chỉ cần thiết khi dùng kháng sinh liều cao, kéo dài hoặc dùng những kháng sinh có tác dụng phụ gây tiêu chảy hoặc tổn thương niêm mạc ruột tạo điều kiện cho kháng sinh bệnh lấn át vi khuẩn lành. Kháng sinh rất ít khi gây táo bón. Khi tuân thủ liệu trình điều trị thầy thuốc chỉ định, rất ít khi bị tiêu chảy, nên không cần “dự phòng tiêu chảy” do kháng sinh bằng điều trị có hệ thống men tiêu hóa vi sinh mỗi khi dùng kháng sinh.

-Bé nhà em được 2 tuổi, thường xuyên bị viêm VA. Xin bác sỹ cho biết, cách phòng viêm VA. Có nên nạo VA không? Vì sao? (Quỳnh Hoa, quận Long Biên)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Hệ thống bảo vệ tiền đồn của cơ thể trong khoang mũi họng bao gồm rất nhiều hạch bạch huyết, trong đó quan trọng nhất là 2 hạnh nhân khấu cái (hay amygdale) nằm ngay sau lưỡi mà khi há miệng to, ta có thể quan sát được và hạn nhân hầu (hay còn gọi là VA (từ viết tắt của tiếng Pháp: végétation adénoide tức là đám sùi dạng tuyến) nằm ngay phía sau lỗ mũi sau mà chỉ khi thầy thuốc dùng gương soi ngược từ trong họng lên hoặc dùng ống nội soi mới thấy. Trẻ nhỏ khi bị viêm mũi họng thường phản ứng tự vệ bằng cách phát triển tạm thời (sưng) các hạch bạch huyết quan trọng này, ta thường gọi là viêm amygdale (viêm hạnh nhân khẩu cái) hoặc viêm VA (viêm hạn nhân hầu). Hai tuyến phòng vệ này là 2 tiền đồn có vai trò bảo vệ cơ thể, ngăn chặn vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể, chủ yếu là vào hệ hô hấp. Như vậy, amygdale sưng hay VA sưng không có nghĩa là 2 hệ tuyến này là nguyên nhân sinh bệnh, mà là kết quả của việc bảo vệ cơ thể. Nếu cắt bỏ các tuyến phòng vệ này, vi khuẩn/virus sẽ xâm nhập thường xuyên và dễ dàng hơn, cơ thể có nguy cơ bị bệnh nhiều hơn và nặng hơn.

Trước đây do chưa hiểu rõ vai trò tích cực của các tuyến hạnh nhân này, chỉ định cắt rất rộng rãi khi thấy các tuyến này hay sưng to và gây đau. Ngày nay, việc chỉ định cắt bỏ chúng trở nên rất hạn hữu và chỉ định rất nghiêm ngặt. Chỉ khi các tuyến đó bị “hỏng hẳn” do tổn thương không hồi phục mới có chỉ định cắt bỏ. Việc chỉ định luôn được tính toán kỹ, hội chẩn chu đáo giữa các thầy thuốc của nhiều chuyên khoa.

- Bé nhà em được 3 tuổi, hay bị ho co thắt. Nếu bé ho 2-3 ngày mà không cho uống kháng sinh bé sẽ bị co thắt. Vì thế, bé liên tục phải uống kháng sinh, có thời điểm 1 tháng uống 2 đợt kháng sinh nên bác sỹ đã phải đổi ít nhất 2 loại kháng sinh cho cháu. Xin bác sỹ cho biết cách chữa ho co thắt hiệu quả? Tác hại của kháng thuốc đối với trẻ? (Thanh Hoa, quận Bắc Từ Liêm)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, bị ho và co thắt lần đầu thường là do siêu vi trùng, gây bệnh cảnh mà y học gọi là “viêm tiểu phế quản”. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn hơn (từ sau 2 tuổi) và cứ mỗi khi thời tiết thay đổi là bị hắt hơi 1-2 hôm (sốt nhẹ hoặc thường là không sốt) rồi ho và khò khè (co thắt) thường là do dị ứng nặng tại đường hô hấp, được virus nhờ trời lạnh phù hợp với điều kiện sống nên phát triển gây kích ứng và “hỗ trợ” cho quá trình dị ứng tăng mạnh, dẫn đến viêm dị ứng gây viêm long (hắt hơi sổ mũi), xuất tiết phế quản gây ho và gây co thắt làm trẻ khò khè. Thường các thầy thuốc ít kinh nghiệm hay nghĩ là viêm nhiễm do vi khuẩn nên chỉ định kháng sinh nhưng gần như bao giờ cũng kèm theo thuốc chữa ho và co thắt chống dị ứng, nên trẻ đỡ làm tưởng nhầm do tác dụng KS. Cách chữa co thắt có hiệu quả là chẩn đoán đúng lý do gây co thắt (dị ứng) và điều trị bằng các thuốc ngăn chặn nguyên nhân gây co thắt (thuốc chống dị ứng), không phải là kháng sinh. Muốn khỏi tái phát, cần gặp thầy thuốc có kinh nghiệm để có chỉ định điều trị dự phòng đúng cách sau khi đã cắt cơn co thắt bằng các thuốc chống dị ứng tác dụng kéo dài, sau khi đã chữa đỡ bằng các thuốc chống dị ứng hiệu quả nhanh và mạnh nhưng tác dụng ngắn.

-Bé nhà em 5 tuổi, hằng đêm cháu dậy đi vệ sinh 2-3 lần, nhiều hôm bố mẹ không kịp gọi dậy đi vệ sinh thì cháu đái dầm (cháu không uống sữa và đều đi vệ sinh trước khi đi ngủ). Xin bác sỹ cho biết cháu đi vệ sinh như vậy có bất thường không? Làm thế nào để trẻ không đái dầm? (Nguyễn Lan, quận Nam Từ Liêm. Mặc dù câu hỏi này không liên quan đến buổi tư vấn nhưng em rất mong bác sỹ trả lời giúp)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Đái dầm là thuật ngữ y học nhưng xuất phát từ dân gian, dùng để chỉ hiện tượng đi tiểu khi ngủ. Trẻ em nhỏ dưới 3 tuổi thường hay đái dầm, vài lần mỗi tuần là bình thường. Đái dầm chỉ cần can thiệp khi trở nên bất thường (thường xuyên) dù đã tránh uống nước (canh, sữa) trước khi ngủ và thậm chí đã đánh thức dậy để trẻ đi tiểu (nhưng thường vừa ngủ vừa đái, nên vẫn như trong khi ngủ, tức là đái dầm). Để tránh trẻ đái dầm, ngoài việc tránh bớt dịch trong bữa tối và đêm, cần đánh thức trẻ dậy thực sự (tỉnh hẳn) để trẻ đái xong mới ngủ lại. Dần dần sẽ cắt phản xạ đái khi ngủ. Tuy nhiên, nhiều trẻ vẫn đái dầm dù cha mẹ đã kiêng dịch bữa tối/đêm và đã đánh thức dậy tỉnh hẳn để đi tiểu. Những trẻ này cần được khám các thầy thuốc chuyên khoa nhi có kinh nghiệm hoặc chuyên ngành thận-tiết niệu để tìm kiếm các nguyên nhân và các bệnh khác gây đái dầm khó khắc phục.

-Xin bác sỹ cho bết nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy? Cách chữa tiêu chảy cho trẻ? Trẻ bị tiêu chảy có cần ăn kiêng không? Nếu có thì kiêng những gì? (Thúy Vân, quận Hà Đông)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Trẻ bị tiêu chảy cấp thường do ngộ độc hoặc phổ biến là do nguyên nhân nhiễm trùng, trong đó nhiễm siêu vi trùng có tên là Rotavirus là phổ biến và nặng nhất. Để phòng tiêu chảy cấp, cần chú ý cho trẻ ăn thức ăn an toàn, không có chất gây độc (?) và thức ăn không bị nhiễm vi trùng (như lỵ, tả) và nhất là cần phòng bệnh chủ động bằng cách cho trẻ uống vac-xin phòng Rotavirus (như Rotarix) từ lúc nhỏ (trước 4 tháng tuổi) là hiệu quả nhất. Khi đã bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống nhiều dịch, tốt nhất là dung dịch y tế có điện giải (gọi là oresol) có bán tại các nhà thuốc (chú ý pha đúng tránh ngộ độc pha đặc quá) và không bắt trẻ ăn kiêng.

Ngược lại, bên cạnh ăn thức ăn như ngày thường nhưng là loại dễ tiêu và lỏng hơn một chút, tuyệt đối không bắt trẻ ăn kiêng vì kiêng không có tác dụng cầm tiêu chảy mà làm trẻ dễ suy dinh dưỡng nặng và nhanh ngay trong và sau khi bị tiêu chảy. Thói quen xấu bắt trẻ kiêng ăn khi tiêu chảy cấp rất nguy hại và trước đây là nguyên nhân chủ yếu gây suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong.

-Em biết một trong những biện pháp để trẻ ít bị ốm là tăng cường sức để kháng, vì thế mỗi sáng em đều cho trẻ uống sữa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sáng ra trẻ không ăn lót dạ mà uống sữa sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, có phải như vậy không? Vì sao? (Thanh Hường, quận Hoàng Mai)

-PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Sữa là thức ăn tốt và an toàn nếu đảm bảo đúng quy trình bảo vệ và pha chế. Sữa cũng là thức ăn bổ dưỡng, nên cho trẻ uống đều và đúng lượng, đúng loại sữa phù hợp theo tuổi là tốt. Không hề có chuyện uống sữa làm hỏng dạ dày. Chỉ có một số rất hiếm trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi uống sữa vì thiếu hụt bẩm sinh men tiêu sữa (thiếu men lactase bẩm sinh) mà trong y học gọi là tình trạng “không dung nạp sữa”. Những trẻ này khi ăn bất cứ sản phẩm gì có sữa là rối loạn tiêu hóa từ nhẹ đến nặng (tiêu chảy cấp).

HNMO