Tổng Bí thư: Công việc thường ngày là nền tảng của thi đua
Chính trị - Ngày đăng : 08:26, 07/12/2015
Chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Tô Phán |
Dự đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội qua các thời kỳ; cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương.
Các đại biểu dự Đại hội |
Cùng dự Đại hội có 1.800 đại biểu chính thức, gồm: 138 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 167 đại biểu là đại diện tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, được phong tặng từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII; 101 đại biểu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 1394 đại biểu là đại diện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao..., gồm: người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác trên các lĩnh vực; thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, nghệ sỹ (nhân dân, ưu tú), nhà khoa học, nhà văn tiêu biểu; đại diện các tập thể, cá nhân được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; đại diện trí thức, nhân sĩ, dân tộc, tôn giáo; đại diện nhà báo tiêu biểu; cá nhân điển hình của 53 dân tộc; đại diện doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu; các tài năng trẻ, thanh thiếu niên, nhi đồng xuất sắc; đại diện người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có công lao đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước..
Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sỹ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc.
Đồng thời, Đại hội phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo chỉ thị của Bộ Chính trị và luật Thi đua, khen thưởng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đại hội |
Phát biểu khai mạc Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sỹ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước.
Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước và Hội đồng thi đua khen thưởng TƯ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng. Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới công tác thi đua khen thưởng và ban hành Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 về Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Chính sách pháp luật về thi đua khen thưởng ngày càng được hoàn thiện; ban hành kịp thời Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng.
Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng như phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế của các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2016-2020.
Đại hội lần này cũng là dịp để chúng ta biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng chiến sỹ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc. Đồng thời Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Báo cáo tổng kết phong trào Thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm 2011-2015, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương cho biết, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng hoàn thiện. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đã tạo được động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, tạo bước chuyển biến trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét.
Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác... Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, quan tâm đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực công thương, xây dựng, giao thông vận tải, phong trào "Xây dựng đường giao thông nông thôn" đã được triển khai hiệu quả với gần 150.000km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn cầu dân sinh được nâng cấp, cải tạo, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Phong trào lao động sáng tạo "Năng suất, chất lượng, hiệu quả trên công trình trọng điểm thủy điện Sơn La" đã góp phần đưa công trình về đích sớm 3 năm so với kế hoạch, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội cho đất nước...
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các phong trào thi đua "Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới", "Vì sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn" đã tạo ra những mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm, có mô hình đạt hàng tỷ đồng/ha/năm. Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã thu hút bình quân 8,2 triệu hộ nông dân đăng ký thi đua mỗi năm, từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi với các mô hình có thu nhập hàng chụcc tỷ đồng mỗi năm, thu hút hàng trăm lao động. So với giai đoạn 2005-2010, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm đã tăng gấp 3 lần, mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 5 lần.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, các phong trào thi đua đã giúp triển khai 377 mô hình thư viện điện tử để cung cấp thông tin khoa học, công nghệ đến cấp xã; thông qua mô hình thư viện điện tử đã đào tạo được 1.000 kỹ thuật viên vận hành và hướng dẫn trực tuyến cho gần 1 triệu nông dân biết cách khai thác thông tin trên mạng điện tử, góp phần tạo nên những mô hình mới, cách làm sáng tạo...
Trong ngành giáo dục, y tế, văn hóa, các phong trào nâng cao chất lượng bảo vệ nhân dân, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực là những phong trào nổi bật, đã tạo nên luồng gió mới trong các ngành, phát huy tác dụng tốt. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã giúp huy động các nguồn lực to lớn trong cộng đồng giúp đỡ các gia đình có công, chính sách...
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan |
Phó Chủ tịch khẳng định, các tập thể, cá nhân về dự Đại hội hôm nay cùng vô vàn những cá nhân tiên tiến, điển hình khác chính là những bông hoa tươi thắm nhất dâng lên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới. Các điển hình tiên tiến với những độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau song đều là những tấm gương sáng, sống có lý tưởng, dám nghĩ, dám làm, giản dị, khiên tốn, giàu lòng nhân ái, tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, qua thực hiện phong trào giai đoạn 1 cũng bộc lộ những hạn chế như: Phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức, một số phong trào thi đua chưa xác định rõ mục tiêu, chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể; Chất lượng công tác khen thưởng chưa đạt yêu cầu, cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa nêu gương và lan tỏa; Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy Đảng và chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng.
Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền mặt trận và các đoàn thể ở một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa đúng mức; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành nghiêm quy định của Luật thi đua khen thưởng và các văn bản liên quan; công tác thanh, kiểm tra chấp hành các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng chưa thường xuyên, liên tục...
Với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới (2015-2020) sẽ đổi mới với mục tiêu mới là: Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra gồm:
- Hàng năm, 100% bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động và ký giao ước thi đua; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực.
- Về tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu...: Đối với hình thức khen thưởng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương đạt tỷ lệ 60% trở lên; Đối với hình thức khen thưởng từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên đạt tỷ lệ 20% trở lên.
- Kết quả thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đến năm 2020: Có trên 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Các nhiệm vụ chủ yếu đề ra cho giai đoạn tới gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng, trong đó gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; Đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến; Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thi đua khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu này, Hội đồng thi đua khen thưởng đề xuất, ngay sau khi Đại hội kết thúc, các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể cần tập trung tuyên truyền kết quả của Đại hội, từ đó xây dựng các kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện mỗi nơi; Tăng cường quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước; Có biện pháp cụ thể để khen thưởng trực tiếp người lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân đối với các tổ chức, cá nhân đang được xét tặng danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng, đảm bảo công khai, minh bạch; Củng cố, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng...
Vượt khó, tự lực, tự chủ, đoàn kết, đam mê, sáng tạo - Bí quyết thành công
Bước sang phần tham luận, các tấm gương điển hình trên một số lĩnh vực đã chia sẻ những câu chuyện, những kinh nghiệm thành công của mình với Đại hội
TS Nguyễn Bá Hải đọc tham luận tại Đại hội |
Là ĐB tham luận đầu tiên, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh chia sẻ những tâm huyết của bản thân về đam mê sáng tạo để phụng sự cộng đồng.
“Chúng ta hãy bớt than thở và qui kết vào lỗi hệ thống, là do hoàn cảnh khách quan, hay do sự bất công nào đó. Chúng ta hãy nỗ lực không ngừng mỗi ngày bồi đắp giá trị tâm hồn của bản thân mình bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể tác động tích cực đối với chính bản thân, gia đình và cộng đồng của chúng ta.
Để cùng xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp, dù là ai, ta cũng cần một tấm lòng và tập trung toàn tâm lực, trí tuệ cho công việc mà mình được phân công thực hiện hay đã lựa chọn gắn bó” - TS Nguyễn Bá Hải phát biểu.
TS Hải cũng chia sẻ những thất bại mà bản thân gặp phải trong 8 phiên bản nghiên cứu mắt thần cho người khiếm thị trong nhiều năm. Nền tảng tình yêu với những tiến bộ kỹ thuật đã giúp bản thân ông và đồng nghiệp vượt qua những khó khăn và thất bại, giúp họ thêm mạnh mẽ và trưởng thành.
“Tất cả những việc chúng tôi làm tuy còn rất nhỏ với kết quả khiêm tốn, nhưng đó là tất cả tấm lòng mà chúng tôi mong muốn gửi gắm vào cuộc sống này. Nếu có một lựa chọn cho ngày hôm nay, tôi sẽ tiếp tục chọn con đường trên nền tảng tình yêu thương ấy! Cho phép tôi được mượn lời Thủ tướng Phần Lan – đất nước của sự sáng tạo: “Hãy ước mơ, hãy tin tưởng đoàn kết, hãy làm việc chăm chỉ, và thành công sẽ tới”. Vâng, cứ bước đi, ta sẽ tới!” - TS Nguyễn Bá Hải kêt thúc phần tham luận đầy tâm huyết của mình.
Đại diện cho phong trào thi đua quyết thắng, Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Bộ Quốc phòng cho biết, Vùng 4 Hải quân đóng quân và làm nhiệm vụ tại Căn cứ quân sự Cam Ranh và quần đảo Trường Sa. Đây là một vùng trọng điểm, là căn cứ quân sự rất quan trọng của Hải quân, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị và Quốc phòng - An ninh của đất nước.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, hiện nay 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, không giao động trước những khó khăn, hiểm nguy, dám chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Điều này đã được thực tiễn chứng minh qua nhiều lần tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta. Dù diễn biến có căng thẳng, gay go, khó lường, nguy hiểm đến mấy, theo lệnh của trên, toàn Vùng luôn chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; không một cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện giao động, do dự, lo lắng; dù ngày thường hay ngày lễ tết, đêm khuya hay sáng sớm, tất cả có lệnh là lên đường, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Và cũng từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng các cấp. Điển hình là Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, thiếu tá Lê Minh Phúc, mặc dù bị thương nặng do tàu nước ngoài đâm va, trên người 8 vết thương, đứt động mạch cánh tay, máu chảy đầm đìa, nhưng ngay sau khi được đồng đội sơ cứu bằng 15 mũi khâu, người đang bị choáng do mất nhiều máu, anh vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Trong 5 năm qua, tập thể cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân cũng đã hoàn thành được nhiều việc mới, việc khó. Nổi bật là năm 2011, Lữ đoàn tàu mặt nước 162 được Quân chủng giao chỉ tiêu phải làm chủ lớp tàu Gepard 3.9 trong thời gian 6 tháng. Với quyết tâm cao, Lữ đoàn đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đua đuổi vượt cùng thời gian, làm chủ từng phần, từng loại trang bị, vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Nhờ đó, không chỉ tiếp nhận, làm chủ vững chắc các lớp tàu hiện đại, mà còn tổ chức được nhiều kíp tàu mẫu đi huấn luyện cho các vùng bạn. Vùng cũng đã tiếp nhận, huấn luyện làm chủ và nhanh chóng đưa vào đội hình chiến đấu nhiều tàu, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật mới khác như: tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tiến công nhanh, tàu pháo, tàu vận tải đổ bộ đa năng, tàu quân y, tàu chở khách; Rađa tầm xa hay tên lửa bờ hiện đại.
Đại tá Nguyễn Công Sơn |
Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng Hải quân, đối với Hải quân nhân dân Việt Nam, cứu dân, giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sỹ, là nhiệm vụ chiến đấu. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Vùng 4 thường xuyên làm tốt công tác dân vận. Các tàu, các đảo trên quần đảo Trường Sa đã tạo điều kiện cho trên 20.000 lần chiếc tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản khu vực quần đảo Trường Sa; tìm kiếm cứu nạn 220 tàu cá của ngư dân với hơn 4.700 lượt người gặp nạn trên biển. Đặc biệt, năm 2013 trong cơn bão số 14 (Haiyan), trong điều kiện sóng to, gió lớn, đêm tối…, cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây đã tổ chức đưa 64 tàu cá với gần 800 ngư dân vào tránh trú bão an toàn, cung cấp thuốc men, quần áo, lương thực thực phẩm cho bà con...
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tham luận về những thành tựu mà Vinamilk đã đạt được qua cac phong trào thi đua yêu nước
Ra đời từ 1 năm sau ngày giải phóng đất nước đến nay, Vinamilk đã lớn mạnh trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam. Trên chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo luôn thầm nhuần lời dạy của Bác về công tác thi đua khen thưởng.
Bà Mai Kiều Liên |
Tham luận đã làm rõ về 3 phong trào thi đua nổi bật của Vinamilk suốt 40 năm qua là phong trào thi đua hiến kế tìm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, phong trào thi đua sáng tạo khẳng định thương hiệu Việt và phong trào đẩy mạn phong trào thi đua, phát huy sáng kiến kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh
Trong 5 năm gần đây, Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; Lợi nhuận tăng 15%/năm; Nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỉ/năm. Công ty vươn lên top 100 công ty giá trị nhất ASEAN và top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.
Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra tầm quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD.
Sự phát triển ấn tượng trong những năm vừa qua đã mang đến cho tập thể Vinamilk những giải thưởng danh giá và uy tín do các tổ chức trong nước và thế giới trao tặng: 3 lần liên tiếp tự hào được vinh danh Thương hiệu quốc gia; Giải thưởng công nghệ thực phẩm toàn cầu cho sản phẩm sữa nước tại hội nghị khoa học và công nghệ thực phẩm năm 2014 tổ chức ở Montreal, Canada.
Liên tục 4 năm từ năm 2011 đến năm 2014, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VNM bà Mai Kiều Liên được vinh danh là một trong 50 Nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do tạp chí Forbes Asia bình chọn; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc xây dựng & phát triển thị trường chứng khoán 2015.
Công việc thường ngày chính là nền tảng của thi đua
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, lãnh đạo Nhà nước đã chào mừng, biểu dương thành tích của các đại biểu về dự Đại hội.
Tổng Bí thư cho biết, công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước. Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đem hết sức mình giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, độc lập của đất nước và kiến quốc thành công. Phong trào thi đua kể từ đó cũng ngày càng lớn mạnh với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, giúp đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tổng Bí thư đánh giá, Đại hội thi đua yêu nước lần này là sự kiện chính trị quan trọng, diễn vào thời điểm cả nước đang tổng kết việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2010-2015 và lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 5 năm qua, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, quy mô và tiềm lực kinh tế của nước ta đã dần được nâng lên, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH; xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền, hòa bình của đất nước được giữ vững; vị thế, uy tín của nước ta được nâng cao; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng... Những thành quả này là tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội |
Đồng chí Tổng Bí thư cũng khẳng định, những thành tựu của đất nước 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Ở ngành nào, cấp nào, địa phương nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ của ngành mình, cấp mình, địa phương mình với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, phong trào xây dựng Nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều mô hình, giải pháp, sáng kiến được nhân rộng và có sức lan tỏa trong cả nước, tạo thêm động lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Tổng Bí thư chúc mừng và biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước cũng như công tác khen thưởng 5 năm qua.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nghiêm khắc đánh giá, những kết quả đạt được trong thi đua, khen thưởng thời gian qua là rất to lớn song cũng còn hạn chế, khuyết điểm: Một số phong trào thi đua phát triển chưa sâu rộng, đồng đều, toàn diện, tác dụng lan tỏa chưa cao, còn mang nặng tính hình thức; một số địa phương, cấp, ngành, đơn vị còn chậm phát triển cá nhân va nhân rộng điển hình tiên tiến; đối tượng khen thưởng là người lao động chưa nhiều... Tổng Bí thư đề nghị cần khắc phục ngay những điểm yếu này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số nội dung như cần tiếp tục quán triệt, triển khai tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng. Nhất là quán triệt sâu sắc về tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, đưa công tác thi đua gắn với công việc hàng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ đã dạy.
Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với công việc hàng ngày. Thực ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của việc thi đua. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí, đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, việc tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua, cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức, tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt.
Đối với phong trào thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch và điều kiện phấn đấu trong thi đua, làm hài hòa lợi ích của người lao động, tập thể địa phương đơn vị và lợi ích của xã hội.
Trong tổ chức thực hiện triển khai các phong trào thi đua cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng; đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất, chú trọng khen thưởng công dân, nông dân, những người lao động trực tiếp.
Thông qua các phong trào thi đua, phát triển bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các cấp ủy đảng cần đánh giá chọn lựa điển hình tiên tiến để nêu gương học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy tác dụng, lan tỏa lớn trong xã hội.
Chiều nay, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ tiếp tục với phần tham luận của các điển hình tiên tiến và phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020.