IS đã vươn tới Đông Nam Á?
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 07/12/2015
IS đang đe dọa khu vực Đông Nam Á. |
Cảnh sát Malaysia đang được đặt trong tình trạng báo động sau khi nhận được thông tin rằng các chiến binh IS đang có kế hoạch tấn công một số mục tiêu của các quốc gia tham gia liên minh chống tổ chức này ở Thái Lan. Tổng Thanh tra cảnh sát Hoàng gia Malaysia Khalid Abu Bakar phát biểu tại một cuộc họp báo ở thị trấn Serdang, bang Selangor, ngày 5-12, cho biết: Cảnh sát đã tăng cường an ninh để ngăn ngừa bất kỳ sự cố bất lợi nào xảy ra và hết sức cẩn trọng với các mối đe dọa từ IS. Ông Khalid nhấn mạnh, Thái Lan đang được đặt trong tình trạng báo động và Malaysia không thể coi nhẹ điều đó, đồng thời khẳng định Kuala Lumpur sẽ làm việc cùng Bangkok để cập nhật thông tin về những mối đe dọa của IS đối với khu vực.
Cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu chủ yếu diễn ra ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, những diễn biến mới nhất cho thấy, hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy, khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố.
Thực tế, IS cũng đang nhắm đến việc tạo ra một nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Malaysia, sau đó có thể lan sang Singapore và nhiều nước khác. Dường như các nhóm IS ở Đông Nam Á đang có kế hoạch gắn kết các cuộc tấn công trong khu vực. Đáng lo ngại nhất là Malaysia, Philippines và Indonesia, những nước có số lượng người dân theo đạo Hồi đông đảo. Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed từng cho rằng, vụ tấn công đẫm máu Paris hoàn toàn có thể tái diễn ở Malaysia hay những khu vực khác trong Đông Nam Á. Và hồi tháng 9, cảnh sát Malaysia đã phá vỡ một âm mưu đánh bom tại khu du lịch Bukit Bintang ở Kuala Lumpur. Theo ông N.Mohamed, IS muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá thương hiệu trong khu vực và thu hút các phần tử cực đoan tại đây.
Ước tính năm ngoái có khoảng 50 kẻ cực đoan từ Indonesia đã tới Syria gia nhập IS. Như vậy, Indonesia cũng phải đối mặt với mối đe dọa tương tự như Pháp hay Bỉ. Đó là công dân nước mình gia nhập IS ở Syria, có kinh nghiệm khủng bố rồi trở về tổ chức các cuộc tấn công. Hồi đầu những năm 2000, Indonesia từng hứng chịu nhiều đợt tấn công khủng bố do các chi nhánh của Al-Qaeda thực hiện, trong đó vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người chết, đa phần là du khách nước ngoài. Với việc ngày càng nhiều người Indonesia gia nhập IS, các vụ tấn công đẫm máu tương tự có thể sẽ tái diễn. IS đã tổ chức được một nhóm khủng bố lên đến hàng trăm người được tuyển mộ từ Indonesia, Malaysia và Singapore.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận định: Đông Nam Á đang trở thành một điểm "nóng" chiêu mộ chiến binh của IS. Theo ông Lý Hiển Long, hàng trăm người từ các nước Đông Nam Á, trong đó có cả công dân Singapore đã tham gia các tổ chức khủng bố trong khu vực, bao gồm cả IS. Trong mạng lưới của tổ chức này thậm chí có cả một tiểu đoàn chiến binh Đông Nam Á và Singapore không thể nhắm mắt làm ngơ trước những diễn biến ngày một phức tạp này. Thêm vào đó, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cộng với việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng tin nhắn có thể giúp IS tăng nhanh dòng binh sĩ đến từ các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á.
Sự cảnh giác không bao giờ thừa, nhất là sau những vụ khủng bố gây bàng hoàng dư luận thời gian gần đây. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS có thể sẽ chưa lập tức vươn đến Đông Nam Á nhưng sự chuẩn bị hành động là cần thiết để ngăn chặn hậu họa trong tương lai. Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á cần nỗ lực phối hợp để "bốc dỡ" cả nền tảng và tư tưởng của IS lẫn những hoạt động cùng ý thức hệ liên kết với tổ chức khủng bố này.