Người lập bảo tàng 3D online lưu trữ cổ vật Việt Nam
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:01, 07/12/2015
Tuổi thơ… 3D
Nguyễn Trí Quang sinh ra trong một gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ lâu đời ở Khâm Thiên, Hà Nội. Cha Quang là một nghệ nhân chế tạo tượng composite, một người có niềm say mê đặc biệt đối với các loại tượng, nhất là tượng cổ ở các đền chùa. Ông thường đi khắp nơi để ghi chép, chụp ảnh và sử dụng máy 3D quét lại các bức tượng này. Khi mới 8 tuổi nhưng thông minh, nhanh nhẹn nên Quang được bố cho đi cùng trong các chuyến tham quan. Niềm hứng thú với cổ vật, với máy quét 3D của cậu được khơi lên từ đó.
Nguyễn Trí Quang say mê với công nghệ 3D. |
Nguyễn Trí Quang cũng tỏ ra rất có khiếu về tin học. Cậu tự mày mò sách vở và tài liệu trên mạng để học hỏi cách lập trình. Từ năm 11 tuổi, Quang đã học được cách chuyển các hình ảnh 3D từ máy quét trở thành file 3D và lưu trữ lại trong máy tính với mục đích ban đầu là để hỗ trợ gia đình sản xuất tượng. Dần dần, số lượng file 3D ngày một nhiều lên. Quang nảy ra ý tưởng lập một website để đưa toàn bộ các file lên mạng cho tiện quản lý. Thế nhưng vào thời điểm đó, ở Việt Nam lại chưa phát triển công nghệ 3D trên trình duyệt web. Quang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu chuyên ngành. Tiếng Anh hạn chế, cậu phải mất hàng ngày trời để lần được các từ khóa, rồi lại tiêu tốn cả tháng để dịch tài liệu. Thế nhưng vì đam mê, Quang vẫn lao vào việc, thậm chí bỏ bê cả chuyện học hành.
Càng đọc, càng tìm hiểu sâu về công nghệ 3D, Quang càng nhận thấy tiềm năng phát triển của công nghệ này. Thế là sau khi kết thúc năm học lớp 9, Quang tuyên bố sẽ nghỉ học để tập trung theo đuổi ý tưởng của mình. Ban đầu gia đình hết sức phản đối, nhưng khi Quang phân tích về những ích lợi của việc phát triển công nghệ này, mọi người đã chấp nhận. Thế là Quang dồn hết sức để phát triển công nghệ. Sau hơn một năm lập trình, bản website thử nghiệm đã được ra mắt. Website này đã có thể hiển thị các file 3D song vấp phải rất nhiều hạn chế như dung lượng file quá lớn (tính bằng Gb), tốc độ tải chậm và không thể tương tác trực tiếp trên trình duyệt mà phải cài đặt các phần mềm chuyên dụng...
Mặc dù còn khá nhiều lỗi nhưng bản website thử nghiệm là một thành quả để Quang chứng minh năng lực của mình và cho gia đình thấy việc bỏ học không phải là quyết định sai lầm. Nguyễn Trí Quang tiếp tục đào sâu nghiên cứu để rồi 2 năm sau, những nỗ lực của cậu đã được đền đáp xứng đáng.
Vr3D - công nghệ hoàn hảo
Sau 2 năm nâng cấp, Quang đã phát triển thành công công nghệ 3D trên trình duyệt web. Với công nghệ này, dung lượng các file 3D đã giảm tối đa xuống chỉ còn vài trăm Kb như các ảnh chụp 2D thông thường trong khi vẫn bảo đảm chất lượng. Tốc độ tải đã được cải thiện kinh ngạc, từ tính bằng phút xuống chỉ còn vài giây. Đặc biệt là người sử dụng có thể thao tác trực tiếp trên trình duyệt web mà không cần cài plugin hay bất cứ một phần mềm hỗ trợ nào.
Vr3D được tối ưu cho mọi thiết bị, từ máy tính cây, laptop, smart phone, ipad, cho đến cả ti vi thông minh. Nó thích hợp với hầu hết các trình duyệt phổ biến: Chrome, firefox, oprea, browser, ios… và có thể tương tác tốt ngay cả những thiết bị đã cũ, cấu hình thấp hay tốc độ đường truyền chậm. Vr3D viết tắt của Vitural Really 3D (thực tế ảo 3D) và để "đưa mọi vật vào thực tế ảo", Quang đã lập ra một website mới (vr3d.vn). Tại đây Quang cho trưng bày hàng trăm mẫu vật đã được "3D hóa" bao gồm các mẫu linh vật Việt, đồ cổ, đồ mỹ nghệ và tượng. Đáng chú ý là các mẫu vật linh vật như rồng đá, voi, báo, nghê, sư tử…; các cổ vật như tượng phật, tượng thần, tranh khắc gỗ, hương án, giếng đá… Tất cả mẫu vật quý giá này là kết quả của gần 10 năm tích cóp, là thành tựu của hàng trăm chuyến đi khắp mọi miền đất nước của Quang và gia đình.
Vào website của Quang, người sử dụng có thể dễ dàng chọn lựa, xem xét các mẫu vật, có thể tùy ý xoay ngang dọc, lật trên dưới, phóng to thu nhỏ xem cận cảnh chi tiết, hoa văn. Vr3D không những tạo cho người sử dụng một cái nhìn chân thực, sống động mà còn cung cấp kiến thức về cổ vật, từ tên, địa chỉ đến số tuổi, tình trạng hiện tại và những đánh giá. Thú vị hơn nữa là có thể thoải mái chia sẻ các file mẫu vật về website, blog của mình hay nhúng mã vào bất cứ trang web nào khác và hoàn toàn miễn phí.
Mới đây, trong một nỗ lực nâng cao hơn nữa công nghệ của mình, Quang đã cho lập một bảo tàng 3D online. Bảo tàng gồm hơn 100 mẫu vật khác nhau, được sắp xếp theo ý tưởng cung đình, có tượng Ngọc Hoàng ở giữa, tượng quan võ, quan văn hai bên, tượng phỗng chầu cùng các mẫu cổ vật khác. Quang cho biết, đây là dạng bảo tàng ảo 3D sử dụng công nghệ trên tầm ảnh 360°. Nó vượt qua các dạng bảo tàng trước đây, chỉ sử dụng công nghệ ảnh panorama 360°- chưa phải là 3D thật sự. Việc thiết kế thành công bảo tàng đã cho thấy sự phát triển về mặt kỹ thuật của công nghệ Vr3D "chỉ xét riêng về tốc độ tải, dù số lượng mẫu gấp hàng chục lần so với trưng bày đơn lẻ nhưng tốc độ tải vẫn rất nhanh", Quang cho biết thêm.
Mở ra hướng mới cho việc bảo tồn
Với công nghệ Vr3D việc đưa cổ vật lên mạng internet đã trở nên dễ dàng. Và nó đã mở ra hướng đi hoàn toàn mới cho việc bảo tồn và quảng bá các di vật văn hóa Việt. Về mặt bảo tồn, do được 3D hóa, các mẫu vật giữ nguyên được hình khối, màu sắc và tồn tại vĩnh viễn trong không gian mạng. Do đó có thể tái tạo, phục chế hay nhân bản một cách dễ dàng. Về mặt quảng bá, việc trưng bày, triển lãm, chia sẻ các mẫu cổ vật trên internet không gặp phải bất cứ một rào cản, trở ngại nào. Vì thế có thể nói, việc quảng bá văn hóa Việt là xuyên biên giới và hiệu quả đạt được lại rất lớn. Nói thêm về ý nghĩa này, Quang cho biết nếu phát triển mở rộng hơn nữa, bảo tàng 3D online sẽ có tiềm năng trở thành một cầu nối văn hóa giữa Viêt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Quang chia sẻ, việc phát triển công nghệ 3D trên trình duyệt web còn có những ứng dụng thiết thực vào đời sống, từ sản xuất đồ mỹ nghệ, thời trang cho đến thương mại điện tử... Nói về những kế hoạch sắp tới, Nguyễn Trí Quang cho biết đang nghĩ đến việc quét toàn bộ các khu di tích, đền chùa để dựng lại nó trên mạng, nhằm tạo ra một ngành "du lịch ảo". Người thanh niên 18 tuổi với ước mơ trở thành một nhà công nghệ cho biết, trong tương lai, sẽ cố gắng liên kết với các mạng xã hội lớn như facebook, twitter… để có thể lan tỏa văn hóa Việt rộng hơn nữa.