Lạm phát thấp, lãi suất có giảm?
Tài chính - Ngày đăng : 06:56, 07/12/2015
Nếu như những năm trước, mức lãi suất như hiện nay đã được coi là ước mơ ngoài tầm với của DN, bởi từng có thời kỳ leo thang lên 22 - 24%/năm. Tuy nhiên, trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước cũng gặp không ít khó khăn, khiến DN hầu như không có điều kiện vay vốn ngân hàng. Nguồn vốn dư dả, trong khi DN "ngại" vay đã kéo mặt bằng lãi suất xuống mức có thể chấp nhận được, hiện loanh quanh mức 10%/năm. Lãi suất huy động cũng vì thế mà chỉ còn ở mức 4,5 - 7,2%/năm tùy từng loại kỳ hạn.
Ảnh minh họa |
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định. Một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động để cơ cấu lại nguồn vốn hợp lý hơn. Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng); 5,4 - 6,5%/năm (kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng); 6,4 - 7,2%/năm (kỳ hạn trên 12 tháng).
Lãi suất huy động bằng USD: 0,25%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và 0%/năm với tiền gửi của tổ chức. Lãi suất huy động ở mức thấp, kéo lãi suất cho vay bằng VND với các lĩnh vực ưu tiên: 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn cho các lĩnh vực ưu tiên: 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: 6,8 - 9%/năm (ngắn hạn); 9,3 - 11%/năm (trung và dài hạn). Lãi suất cho vay USD ở mức thấp, một vài ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay USD trong điều kiện thanh khoản ngoại tệ dồi dào. Hiện, lãi suất cho vay USD: 3 - 6,5%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn: 3 - 5,3%/năm; trung, dài hạn: 5,5 - 6,5%/năm.
Lãi suất cho vay VND và USD đã xuống mức thấp so với nhiều thời điểm trước, song DN vẫn kỳ vọng về một mặt bằng lãi suất rẻ hơn. Đại diện một số DN đều có chung nhận xét, lạm phát đang ở mức thấp, hơn nữa, Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào cộng đồng kinh tế toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho các DN trong nước, nhưng cũng tạo áp lực cạnh tranh gay gắt.
So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng nước ta vẫn cao, nên giảm lãi suất sẽ là một trong những khó khăn mà DN trong nước phải đối diện khi vào "cuộc chơi" với DN nước ngoài. Với nền tảng công nghệ hiện đại hơn, cộng với cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, các DN nước ngoài chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế. Vì vậy, lại một lần nữa, các DN trong nước hy vọng mặt bằng lãi suất thấp để mở rộng, phát triển sản xuất, chuẩn bị cho tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai, bởi lãi suất tăng hay giảm còn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế vĩ mô. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, không thể chủ quan với lạm phát, nhất là trong bối cảnh cầu trong nước đang tăng trở lại. Song, có thể hạ lãi suất phù hợp với nhu cầu thị trường và quy định về trần lãi suất.
Thực tế, hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm nhiều so với thời điểm cuối năm 2011, trở về bằng mức lãi suất năm 2005 - 2006, giai đoạn nền kinh tế phát triển ổn định. Việc điều hành lãi suất phải căn cứ trên điều kiện về kinh tế vĩ mô tổng thể, tiền tệ, tỷ giá, trong đó lạm phát đóng vai trò một yếu tố chi phối. Năm 2015, lạm phát ở mức thấp (11 tháng là gần 0,6%), tăng trưởng kinh tế khá cao (dự báo trên 6,7%). Nhưng, lạm phát năm 2015 lại chịu tác động chủ yếu của việc giá hàng hóa trên thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu thô, tuy nhiên giá dầu biến động khó lường, nếu giá dầu tăng trở lại, lạm phát cũng có thể tăng.
Dự báo, năm 2016 lạm phát khó có thể duy trì mức thấp như năm 2015, vì nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng mạnh trở lại, do đó chính sách lãi suất cũng phải phù hợp với xu hướng của lạm phát trong tương lai. Hiện, NHNN quy định lãi suất trần, vì vậy tùy theo nhu cầu vốn của thị trường, có thể tiếp tục hạ thấp lãi suất so với trần quy định. NHNN cũng sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến nền kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có phương án điều hành phù hợp, cũng như có chính sách cụ thể.