Thành công từ lòng dân đồng thuận

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:34, 07/12/2015

(HNM) - Trong số các tập thể, cá nhân được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX có huyện Đan Phượng - huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của TP Hà Nội và là một trong 10 huyện đạt chuẩn NTM của cả nước.



Có được kết quả này là do huyện Đan Phượng luôn coi thi đua, khen thưởng vừa là nhiệm vụ, vừa là biện pháp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM".

Trang trại hoa Flora Việt Nam tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Mai Nguyễn


Như nhiều huyện khác, thời gian đầu khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Đan Phượng đối mặt với nhiều khó khăn khi ruộng đất manh mún, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, làng nghề gây ô nhiễm môi trường, hạ tầng nông thôn xuống cấp, thiếu đồng bộ… Xác định được những khó khăn nên khi phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" huyện tập trung tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy được tầm quan trọng của chương trình, từ đó nhà nhà, người người thi đua đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt người dân được trực tiếp tham gia góp ý từ việc xây dựng đồ án quy hoạch, lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đến việc lựa chọn tiêu chí nào thực hiện trước…

Từ việc nhân dân đi lại khó khăn, đầu năm 2012, huyện Đan Phượng đã phát động phong trào xây dựng giao thông ngõ xóm và giao thông nội đồng. Với cách làm sáng tạo, huy động được sức dân, chỉ trong 3 tháng, 100% đường làng, ngõ xóm, những tuyến đường trục chính nội đồng đã được bê tông hóa. Tiếp đến năm 2013, huyện đã phát động phong trào xây dựng NTM, các xã, thị trấn tích cực thi đua phấn đấu hoàn thành các tiêu chí. Đi đầu trong phong trào này là các xã: Song Phượng, Đan Phượng, Tân Hội, Liên Hồng, Liên Trung, Đồng Tháp được công nhận NTM, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, riêng xã Song Phượng được Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2014. Các xã: Phương Đình, Thọ An, Trung Châu, Liên Hà, Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Tân Lập được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2. Hai xã còn lại là Thọ Xuân, Hồng Hà phấn đấu cuối năm 2015 sẽ đạt chuẩn.

Để làm được điều này, Đan Phượng đã có nhiều cách làm sáng tạo, mạnh dạn. Cụ thể, trong khi chờ cơ chế, chính sách của thành phố, huyện đã ứng tiền hoặc vận động doanh nghiệp ứng trước vật liệu xây dựng cho nhân dân tiến hành làm đường giao thông nông thôn. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn với sự chung tay đóng góp của nhân dân, Đan Phượng đã cơ bản hoàn thành bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn. Phong trào thi đua xây dựng NTM đã thực sự được nhân dân hưởng ứng, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất xây dựng NTM. Điển hình ở xã Phương Đình, 50 hộ tự nguyện hiến 407m2, xã Thượng Mỗ 25 hộ hiến 364m2, xã Song Phượng 60 hộ hiến 200m2 để làm đường và các công trình công cộng.

Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học của huyện cũng được đầu tư kiên cố hóa, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn huyện có 38/48 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ đạt chuẩn ở cấp tiểu học là 100%. Huyện cũng xây dựng, cải tạo được 105 nhà văn hóa xã, thôn, cụm dân cư, tạo nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân. Công tác văn hóa xã hội, môi trường có những tiến bộ vượt bậc. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện những năm 2010 chỉ đạt 35% nay tăng lên hơn 61%. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ… được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Hiện, đã có 45 làng đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa...

Cho biết kinh nghiệm trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng khẳng định, thành công từ việc huy động nguồn lực xây dựng đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa đã tạo điều kiện quan trọng cho huyện thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm mang lại thu nhập cao cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 950ha đất canh tác sang trồng cây có giá trị kinh tế, trong đó gần 400ha trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, cam Canh, hơn 310ha trồng hoa chất lượng cao... Các mô hình này đã mang lại thu nhập trung bình 160-250 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những diện tích trồng hoa ly cho thu nhập 1-2 tỷ đồng/ha. Đan Phượng cũng đã chuyển dịch chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch và xây dựng 6 cụm công nghiệp làng nghề và phát triển gần 550 doanh nghiệp, thu hút hơn 6.200 lao động. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, năm 2014, thu nhập bình quân trên đầu người đạt gần 29 triệu đồng/năm, dự kiến hết năm 2015 đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Cuộc sống của nhân dân ở huyện NTM đã thực sự có thay đổi tích cực. Thành công ở Đan Phượng sẽ tạo động lực cho các huyện khác của Hà Nội phấn đấu đạt chuẩn NTM trong thời gian tới.

Ngọc Quỳnh