Mua sắm công không cần thiết, phải phanh lại ngay

Chính trị - Ngày đăng : 21:51, 06/12/2015

Theo Chủ tịch nước, nợ công của Việt Nam tăng cao gấp 3 lần tốc độ tăng GDP, phải vay nợ mới trả nợ cũ. Do vậy, phải kìm chế chi tiêu, tiết kiệm, ưu tiên công trình trọng điểm.

Sáng 6/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc, ghi nhận ý kiến, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri thành phố.

Đa số cử tri góp ý về các vấn đề nợ công tăng cao, giáo dục giảm sút chất lượng, thực phẩm bẩn tràn lan, án oan sai và hành động phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông…

Chủ tịch nước tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4. Ảnh: Trường Nguyên.


Cử tri Nguyễn Văn Sơn phát biểu, hiện Việt Nam có khoảng 40.000 xe công, chưa kể các loại xe khác cho lực lượng vũ trang, cộng với số tài xế cho số xe này đang gây tốn kém ngân sách. Do đó, khoán xe công là việc nên làm, sẽ tiết kiệm được hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cùng ý kiến, cử tri Phan Bạch Tuyết nhận định, công tác chống lãng phí trong điều hành nhiệm kỳ qua chưa đạt hiệu quả, nhiều công trình hàng nghìn tỷ đồng không sử dụng, gây hoang phí trong khi đời sống người lao động vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn.

“Trong lúc người lao động còn khó khăn thì chúng ta lại mạnh tay xây dựng tượng đài, khu hành chính hàng trăm hàng nghìn tỷ. Hai hình ảnh này gây xót xa cho lòng dân. Nước ta còn nghèo mà mạnh tay phung phí rồi lại đi vay để trả nợ, chắc chắn sẽ để số nợ đó cho con cháu trả. Tôi e ngại điều này làm lòng dân không an. Bên cạnh lãng phí còn xảy ra tham nhũng”, bà Tuyết chia sẻ.

Cử tri Lục Thị Minh Hợp đặt câu hỏi: “Về công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn giá trong dịp Tết sắp tới, địa phương đã chủ động dự trữ và bình ổn hay chưa vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong dịp Tết Nguyên đán, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá”.

Còn cử tri Chung Cường Sanh chia sẻ, ông cảm thấy lo lắng về tình trạng phức tạp trên Biển Đông. Ông yêu cầu, nhà nước có biện pháp kiên quyết hơn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biển đảo. Song song đó, sớm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về các hành vi vi phạm chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đường 9 đoạn trên Biển Đông.

Nhiều cử tri nêu lên những bất cập trong công tác giáo dục, đào tạo. Học sinh thi điểm cao nhưng lại trượt khiến các em mất động lực, đạo đức học đường xuống cấp, dạy và học (đặc biệt là môn Lịch sử) vẫn theo hình thức đọc – chép, kiến thức học xong không áp dụng vào được thực tế, kiếm việc làm khiến thất nghiệp tăng. Bên cạnh đó, cử tri còn lo lắng vấn đề sử dụng chất cấm, chất độc hại trong nông nghiệp, tội phạm liên quan đến ma túy ở lứa tuổi vị thành niên.

Cử tri quận 4 trình bày ý kiến tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Trường Nguyên.


Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 ổn định hơn, kinh tế vĩ mô khá hơn, an ninh quốc phòng vẫn ổn định trong tình hình thế giới có nhiều biến động.

“Nợ công những ngày hôm nay bà con cô bác đề cập rất nhiều. Tốc độ tăng nợ công cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng GDP, nợ công tăng 18 - 20%/năm trong khi GDP chỉ tăng 6%/năm. Từ đó, nợ đến hạn nhưng ngân sách không đủ trả phải vay thêm. Năm nay hơn 250.000 tỷ đồng, vừa để dành đầu tư và một phần trả nợ đến hạn.

Nói điều này, chúng tôi đã thấy lỗi của chúng tôi rồi. Mong muốn bà con phải giám sát chặt chẽ cơ quan chức năng ở địa phương mình. Trong những kiến nghị về chính sách đều phải nên kìm chế vì đều liên quan đến nợ công hết”, Chủ tịch nước thẳng thắn thừa nhận.

Ông phân tích, nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả nên từ xã, huyện, thành phố mua sắm gì, chi tiêu gì cũng hết sức cẩn thận, "đừng làm cuối năm tiền dư ngân sách để đi này đi kia nhưng vô bổ khiến người dân phản ứng kinh khủng, bất lợi chính trị ghê gớm".

"Do vậy, chúng ta phải kìm chế chi tiêu, hết sức tiết kiệm, ưu tiên những công trình trọng điểm quốc gia, những khoản mua sắm công không cần thiết phải phanh lại ngay", Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, trong 30 năm qua, thành tựu của chúng ta lớn nhưng hiện nay lên không nổi. Việt Nam mơ ước bằng Thái Lan nhưng bao năm qua vẫn chưa thể bằng được.

“Giờ họ 500 tỷ (USD) rồi, mình chỉ hơn 200, họ gấp 2,5 lần mình. Philippines dù đang khó khăn nhưng vẫn lớn hơn mình về quy mô, tốc độ. Thành tựu 30 năm qua của chúng ta lớn nhưng nhìn ra thế giới thì khoảng cách chênh lệch còn lớn lắm. Chúng ta phải chấp nhận một tiêu chí cạnh tranh cao hơn nhiều 30 năm qua thì mới vượt lên được. Tôi tin dân tộc mình sẽ làm được”, Chủ tịch nước nhận định.

Về giáo dục, ông cho rằng đây là vấn đề người dân bức xúc, không chỉ riêng việc dạy và học môn Lịch sử. “Đổi mới, cải cách giáo dục, Đảng đã có Nghị quyết, Chính phủ đã có lộ trình triển khai rất bài bản. Trong quá trình đang làm, cô bác thấy điều gì chưa hợp lý, không đúng thì có thể phản ánh đến cơ quan chức năng để nên giáo dục đảm bảo đúng mong muốn của chúng ta”.

Chủ tịch nước cho biết, vấn đề giảm án oan sai hiện nay rất hệ trọng. Do vậy, để giải quyết điều này, phải nâng cao chất lượng của cán bộ ngành tòa án. Bên cạnh đó, khi kết án, phải dựa vào kết quả điều tra của cơ quan công an, tranh tụng tại tòa án và phải cho báo chí vào và phải công khai theo hướng đó để tránh oan sai, bỏ sót tội phạm. Cần tiếp tục tăng vai trò giám sát của cử tri, đại biểu Quốc hội, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể.

“Còn vấn đề đền bù oan sai, ở các nước tiên tiến thì họ trừ lương người làm sai nhưng không thể bắt họ đền bù hết vì họ cũng là công chức thôi, tiền đâu mà trả. Có ý kiến xiết nhà thì cũng khó”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Trước phản ánh của cử tri về thái độ ứng xử của nhiều đại biểu quốc hội tại các diễn đàn chưa tốt, Chủ tịch nước mong bà con thông cảm vì cũng giống như bàn tay có ngón ngắn ngón dài, khó tránh khỏi người này người kia.

“Nhưng chỉ có một điều là đại biểu Quốc hội phải trung thực phản ánh ý kiến cử tri, nếu nói sai thì bà con phải đấu tranh lại", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói thêm.

Theo Trường Nguyên/Zing