Giữa muôn trùng sức ép
Xã hội - Ngày đăng : 07:27, 06/12/2015
HLV Miura hướng dẫn các tuyển thủ U23 Việt Nam trong một buổi tập luyện. Ảnh: Minh Hoàng |
Đội tuyển U23 quốc gia tập trung khi Giải Bóng đá U21 quốc tế báo Thanh Niên năm 2015 vừa kết thúc. Ở một giải đấu giao hữu ít sức ép cũng như đối thủ không mang đến đội hình tốt nhất, U21 Hoàng Anh Gia Lai thoải mái phô diễn khả năng và lên ngôi vô địch. Đội bóng này giữ được lối chơi kỹ thuật của mình, thu hút đông đảo khán giả đến sân.
Chính từ đây, có nhiều ý kiến cho rằng nên để lứa U21 Hoàng Anh Gia Lai năm nay làm trụ cột cho đội U22 quốc gia tham dự SEA Games 27 (dự kiến từ SEA Games năm 2017 sẽ thay đổi độ tuổi tham dự từ U23 xuống U22). Lý lẽ đưa ra là cách chơi của U21 Hoàng Anh Gia Lai phù hợp với thể trạng và tố chất cầu thủ Việt Nam. Nếu bổ sung những cầu thủ xuất sắc ở các CLB khác, những người phù hợp với triết lý chơi bóng của U21 Hoàng Anh Gia Lai thì bóng đá Việt Nam có cơ hội lên ngôi ở SEA Games năm 2017.
Trước hội nghị Ban Chấp hành LĐBĐ Việt Nam khóa VII vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, "bên lề" rộ thông tin rằng hội nghị sẽ bàn bạc về việc có lấy U21 Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt cho Đội tuyển U22 quốc gia tham dự SEA Games năm 2017 hay không. Điều này càng có cơ sở khi xuất hiện thông tin Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, cũng là ông bầu của CLB Hoàng Anh Gia Lai sẵn sàng tài trợ toàn bộ chi phí liên quan đến đội tuyển quốc gia, U23 quốc gia với điều kiện ông T.Miura không dẫn dắt những đội này. Điều đó đã gây áp lực đối với HLV T.Miura trong quá trình chuẩn bị cho Vòng chung kết U23 Châu Á.
Trong cách tính đường dài của mình, ông T.Miura gọi tập trung những cầu thủ trong độ tuổi thi đấu tại SEA Games năm 2017 cho Đội tuyển U23 quốc gia dự Vòng chung kết U23 Châu Á sắp tới. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ triết lý bóng đá của ông T.Miura lại khác với triết lý bóng đá mà lứa U21 Hoàng Anh Gia Lai đang áp dụng.
Lối chơi thiên về thể lực, đầy tính thực dụng của ông thầy người Nhật Bản đã được áp dụng ở cả đội tuyển quốc gia lẫn U23 quốc gia trong hơn một năm qua, không dễ thay đổi, nhất là khi ông T.Miura luôn đề cao quyền tự quyết của HLV trưởng. VFF có muốn tác động đến ông T.Miura cũng khó nên chỉ có thể trông mong ông thầy người Nhật Bản sẽ tự thay đổi.
Nhưng liệu ông T.Miura có muốn thay đổi hay là muốn chứng minh triết lý bóng đá của mình lâu nay là phù hợp với các cầu thủ Việt Nam khi trước mắt ông chỉ còn Vòng chung kết Giải U23 Châu Á để thể hiện (đến tháng 4-2016, sẽ hết hạn hợp đồng với VFF)?
Có lẽ ông T.Miura vẫn sẽ kiên định với cách chơi mà mình theo đuổi bấy lâu. VFF sẽ đành phải đợi nếu muốn có sự thay đổi về cách chơi của các đội tuyển. Ở khía cạnh nào đó, câu chuyện này tiếp tục cho thấy cách làm thiếu tính dài hơi của VFF. Liên đoàn đã không theo cách thường thấy là xây dựng một lối chơi phù hợp với cầu thủ Việt Nam rồi mới thuê HLV phù hợp với lối chơi ấy. Việc thay HLV xoành xoạch, mỗi người mỗi vẻ trong thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến cảnh "bàn ra tán vào" như hiện nay.