Dễ mà khó!

Văn hóa - Ngày đăng : 07:22, 06/12/2015

(HNM) - Có một sự chuyển động đáng chú ý khác của xuất bản trong thời gian gần đây, đó là sự xuất hiện và khả năng hấp dẫn công chúng của loại sách nghị luận bàn về các vấn đề của đời sống xã hội.

Người viết đều có trải nghiệm trong một hoặc nhiều lĩnh vực và bằng hiểu biết của mình, họ đưa ra những góc nhìn, sự phản biện đối với các vấn đề đang "nóng" trong đời sống xã hội…

Có thể kể đến "Kẻ trăn trở" của TS Lương Hoài Nam, hay trước đó là "Tư duy và chia sẻ" của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và mới đây nhất là "Bức xúc không làm ta vô can" của TS Đặng Hoàng Giang. Một cuốn sách khác "dạy" cách viết nghị luận cho tuổi 15 thông qua các vấn đề xã hội là "Nhật ký sen trắng" của GS Cao Huy Thuần - cũng là tác phẩm rất đáng chú ý.

Các đơn vị làm sách không phải ngẫu nhiên tỏ ý chăm chút cho tác phẩm dạng này, từ tổ chức lễ ra mắt sách đến làm sự kiện giao lưu tác giả - tác phẩm. Tọa đàm về "Kẻ trăn trở" có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, lễ giao lưu về cuốn "Bức xúc không làm ta vô can" trở thành buổi thảo luận ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Thời buổi công nghệ hỗ trợ tối đa cho tự do thông tin và bày tỏ quan điểm, có thể vì thế mà những tiếng nói phản biện xã hội dễ được quan tâm hơn chăng? Nhưng nói gì thì nói, để trở thành một cuốn sách thì "tiếng nói ấy" vẫn phải đi qua một cuộc chọn lọc nghiêm chỉnh. Nó khác với lời bày tỏ tự do trên trang mạng xã hội, tác giả giữ quan điểm riêng nhưng không thể đặt nhẹ vai trò xây dựng và đặc biệt cần có một hàm lượng khoa học đủ để thuyết phục người đọc ở nhiều trình độ… Vì thế, có những cuốn bán chạy, được bạn đọc thích thú và cũng có những cuốn tạo nên sự tranh luận, như người ta nói là "phản biện trong phản biện"…

Vậy nên, có thể nói việc viết sách dạng này dễ thì dễ mà khó cũng thật là khó!

Người Lái Đò