Đồng hành vượt khó

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 06/12/2015

(HNM) - Sau 3 năm triển khai


Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Khánh Bình cho biết, hằng năm Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo việc ký kết, phối hợp hoạt động giữa các cơ sở đoàn, hội, đội trực thuộc; hướng dẫn cơ sở chọn cử đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia các đội thanh niên tình nguyện; chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho cơ sở Đoàn được phân công hỗ trợ các cơ sở Đoàn, hội, đội khó khăn thực hiện Đề án về thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, 30 quận, huyện, thị đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 70 đơn vị, cơ sở Đoàn, hội, đội các trường ĐH, CĐ, học viện, tổng công ty, cơ quan hành chính sự nghiệp, sở, ngành... Các quận, huyện, thị đoàn đồng hành với cơ sở tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, các chương trình hành động của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các đơn vị còn vận động đoàn viên, thanh, thiếu nhi phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần "Tương thân tương ái", ủng hộ kinh phí hỗ trợ xây dựng sân chơi cho thiếu nhi ở địa bàn các xã khó khăn; thăm, tặng quà cho các đối tượng gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong, trẻ em vượt khó học giỏi…

Đoàn viên thanh niên xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) phối hợp cùng chiến sĩ Trung đoàn BB692 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) xây dựng nhà văn hóa thôn Đầm Bối. Ảnh: Thái Hiền


Đặc biệt, các đơn vị đã tổ chức các hoạt động giao lưu có sự tham của lực lượng công an, quân đội ngày càng sâu rộng, xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin cho thanh niên khu vực nông thôn phát triển kinh tế; hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp. Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên (Thành đoàn Hà Nội) Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết, trung tâm cùng các quận, huyện đoàn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho trên 90.000 lượt học sinh THPT và đoàn viên, thanh niên; tổ chức nhiều hội thi Bàn tay vàng thanh niên làng nghề thủ công truyền thống tại các huyện: Thanh Oai, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Ba Vì, Thạch Thất, Thường Tín, Chương Mỹ, Phú Xuyên.

Đánh giá về tính hiệu quả của chương trình, Phó Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ Hoàng Ngọc Thanh cho biết, từ việc kết nghĩa, phong trào Đoàn của huyện đã khởi sắc. Huyện đoàn thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; dạy hè, xây dựng tủ sách cho thiếu nhi tại các thôn, xã; thăm, tặng quà các gia đình chính sách; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; trao tặng sân chơi cho thiếu nhi... Tuy nhiên, cũng còn mặt hạn chế đó là các đơn vị về hoạt động tại huyện Phúc Thọ thuộc khối quận, cơ quan chưa chủ động tham mưu, tạo cơ hội gặp gỡ giao lưu giữa các cơ sở đoàn. Thậm chí, có đơn vị đã ký kết chương trình phối hợp nhưng không về tham gia các hoạt động tại địa bàn. Để khắc phục, nên có hình thức khen thưởng cũng như xử lý kịp thời đối với các đơn vị đã ký kết chưa thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ.

Tại huyện Ứng Hòa, sau khi kết nghĩa 3 trường và 2 cơ sở khối CNVC, Huyện đoàn đã phối hợp với các đơn vị tập huấn, trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây đậu tương vụ đông cho 150 cán bộ, đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ 7 tấn phân bón trị giá 30 triệu đồng cho 5 mô hình trồng cây đậu tương trên diện tích đất 2 lúa; nạo vét 500m tuyến kênh mương, khơi thông dòng chảy để thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, hoa màu chất lượng cao. Tuy nhiên, lãnh đạo Huyện đoàn Ứng Hòa cũng kiến nghị, do một số đơn vị chưa coi trọng, thiếu tính chủ động trong công tác phối hợp kết nghĩa và nguồn lực dành cho các hoạt động phối hợp còn hạn chế, cho nên cần gắn nhiệm vụ này với việc đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm và kịp thời khen thưởng động viên các tập thể cá nhân có thành tích tiêu biểu. Có như vậy, mục tiêu chương trình đặt ra sẽ đạt được như kỳ vọng.

Linh Nhi