Sói xám - tổ chức khủng bố kiểu mới

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:59, 06/12/2015

(HNM) - Nga đã xác định kẻ ra lệnh bắn vào các phi công nhảy dù từ máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24-11. Đó là Alparslan Celik - con trai của cựu thị trưởng một thành phố Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của tổ chức có tên Sói xám.

Alparslan Celik. Ảnh: RT


Sói xám là phong trào của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan được Đại tá Alparslan thành lập trong những năm 1960. Là một cánh của đảng Phong trào Dân tộc (MHP) cực hữu của Thổ Nhĩ Kỳ, Sói xám tổ chức theo phương châm chủ nghĩa phát xít mới và thường tiến hành hoạt động khủng bố. Trong giai đoạn 1976-1980 ở Thổ Nhĩ Kỳ, các thành viên Sói xám biến thành "sát thủ" tham gia các "vụ giết người và đấu súng trên đường phố".

Theo con số thống kê, 220 thành viên Sói xám đã thực hiện 694 vụ giết các nhân vật cánh tả, các nhà hoạt động tự do và trí thức. Vào những năm 1970, thời kỳ cao điểm của cuộc chiến giữa các lực lượng xung đột ở Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức Sói xám đã giết hại hơn 2.000 người.

Ngoài ra, cũng có khoảng 1.300 thành viên của tổ chức này bị giết chết trong các cuộc đụng độ khác nhau. Năm 1980, sau cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức Sói xám bị đàn áp, nhiều thành viên bị bắt, các thành viên còn lại chạy sang Châu Âu. Hoạt động khủng bố khét tiếng nhất của tổ chức Sói xám là vụ mưu sát bất thành Giáo hoàng John Paul II do Mehmet Ali Agca, một thành viên của tổ chức này thực hiện ngày 13-5-1981.

Sói xám nổi tiếng với dấu hiệu bàn tay rất riêng biệt, vốn đại diện cho đầu con sói, được tạo ra bằng ngón trỏ và ngón út. Hệ tư tưởng của nhóm này tập trung vào thời vàng son trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm tìm cách thống nhất những người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo với những người tới từ khu vực Balkan tới Trung Á, nhằm mở rộng Thổ Nhĩ Kỳ. Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết vào năm 1991, tổ chức Sói xám kêu gọi thành lập "một đế chế Thổ Nhĩ Kỳ hồi sinh" bao gồm nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ vừa tuyên bố độc lập.

Trong cuộc chiến tranh Nagorno - Karabakh (1988-1994), khoảng 200 thành viên Sói xám đã đứng về phía Azerbaijan chiến đấu chống lại các lực lượng Armenia. Sau một nỗ lực cướp chính quyền bất thành ở Azerbaijan năm 1995, tổ chức Sói xám đã bị cấm hoạt động ở nước này. Năm 2005, Kazakhstan cấm Sói xám hoạt động và đưa tổ chức này vào danh sách khủng bố.

Vào những năm 1990, Sói xám hoạt động hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hiện nay, đối với chế độ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Sói xám là lực lượng đối lập. Tuy nhiên có thông tin cho rằng, chính quyền Ankara không chính thức chấp nhận hoạt động của Sói xám nhưng sẵn sàng sử dụng nó trong cuộc chiến chống lại người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Một số nguồn tin cũng khẳng định hầu hết các trường đại học lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ đều có chi nhánh của tổ chức Sói xám, nhưng quyền lực thực sự của tổ chức này là trên các đường phố và trong số những người nghèo bất mãn trong các khu phố do người Hồi giáo Sunni chi phối ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ chức Sói xám cũng hoạt động mạnh ở phần lãnh thổ bị Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Đảo Síp. Nó có nhiều chi nhánh ở nhiều nước Tây Âu có đông đảo người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống như Vương quốc Bỉ, Hà Lan và Đức. Tại Đức, Sói xám là tổ chức cực hữu lớn nhất với ít nhất 10.000 thành viên. Hiện các học giả và các nhà báo đã liệt kê Sói xám vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Đức Luân