Người xưa chống rét
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:18, 06/12/2015
Việt Nam có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông nhưng theo các nhà nghiên cứu khí tượng, mùa xuân và mùa thu khá ngắn, mùa đông và mùa hạ dài hơn. Nói chung, khí hậu miền Bắc rất khắc nghiệt, có năm nhiệt độ mùa hè rất cao, nắng cháy da cháy thịt, mùa đông thì lạnh tê tái, người mặc không đủ ấm có thể chết rét, còn cá ở ao hồ bị chết cóng. Năm 2008, rét kéo dài liên tục tới 38 ngày. Ngay tại Hà Nội, nhiệt độ luôn cao hơn các địa phương khác nhưng có thời điểm nhiệt độ xuống mức thấp, chỉ còn khoảng 5-6 độ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, tác giả bài hát "Đêm đông" nổi tiếng từng chia sẻ: Tết Nguyên đán năm 1939, thời tiết lạnh vô cùng, ông phải mặc rất nhiều áo mới chống đỡ được cái rét. Mùa đông lạnh lẽo, cô đơn đi trên phố trong nỗi nhớ quê da diết khiến Nguyễn Văn Thương đã sáng tác ra bài hát này.
Ngày trước, những bộ áo ấm, khăn quàng chống rét là mơ ước của nhiều người. |
Mùa đông lạnh như vậy nhưng tại sao nhà cửa ở quê lại trống hếch trống hoác? Do kiến trúc dân gian như vậy hay cuộc sống nghèo túng nên cái khó bó cái khôn? Ngay ở Thăng Long, dù nhà gạch, nhà gỗ song cũng không che kín gió vì giữa tường và mái vẫn còn khoảng hở, cửa bằng ván ghép không kín nên đêm đông nằm trong nhà vẫn nghe tiếng gió rít. Nhà cửa như vậy còn chăn, quần, áo chống rét mùa đông thế nào?
Thời Nguyễn, phố Hàng Bông (Hà Nội) có người làm nghề bật bông, bán chăn, đệm bông và áo bông trần. Như vậy, có thể khẳng định thế kỷ XIX dân chúng Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung đã dùng chăn bông trong mùa đông. Năm 1883, ven Hồ Gươm, đoạn đối diện với Siêu thị Intimex hiện nay xuất hiện khách sạn đầu tiên ở Hà Nội, khách sạn không xây bằng gạch mà là tường đất lợp tranh cho các phóng viên Pháp, thương nhân đi theo đội quân viễn chinh Pháp thuê. Vào mùa đông, khách sạn có chăn bông cho khách đắp. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào lịch sử nghề bật bông ở làng Trát Cầu (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) thì nghề bật bông đã có trước thời Nguyễn. Để làm ra một chiếc chăn bông hoàn chỉnh, người thợ sẽ trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên, phải dùng máy quay tay có bánh răng gỗ để tách hạt lẫn trong bông. Sau đó dùng sa cán và dây cung bật cho sợi tơi và trắng. Tiếp theo, họ dùng cung lải cho mặt chăn trải dài, rộng tùy theo kích thước rồi gấp bìa vuông vắn. Lải xong, tiến hành teng mặt cho lớp bông tơ bên trên thật mịn và xốp, bông càng xốp càng giữ nhiệt. Để sợi bông không xô lệch, người thợ dùng sợi mạng rồi mới ấp vải màn nhuộm nâu bọc hai mặt và khâu, thế là thành cái chăn. Tuy nhiên như thế sẽ mau hỏng và khi bẩn không thể giặt được nên họ làm vỏ bọc bên ngoài, thường là bằng vải sợi bông vì lụa hay sa tanh rất lạnh.
Không phải nhà nào cũng có tiền mua chăn bông nên còn có một loại chăn khác rẻ tiền hơn gọi là chăn sợi, được làm từ vỏ cây đay, qua các công đoạn chế biến rồi xe thành sợi. Sau khi dệt xong, thợ sẽ khâu các tấm này lại thành chăn. Chăn sợi đay không ấm vì sợi to không xốp. Giữ ấm trong nhà như vậy nhưng còn quần áo? Trong cuốn "Lịch sử chính trị tự nhiên xứ Đàng Ngoài", thầy tu Richard viết "Mùa đông các cô gái ở Thăng Long mặc nhiều áo, chiếc áo bên ngoài có mầu nhã che các lớp áo bên trong là các mầu sặc sỡ". Mô tả của Richard phù hợp với câu ca dao "Người thì mớ bảy mớ ba. Người thì áo rách như là áo tơi". "Mớ bẩy, mớ ba" tức là mặc ba hay bẩy áo tứ thân.
Cũng giống như ở thôn quê, mùa đông đàn bà con gái Thăng Long - Hà Nội cũng chít khăn mỏ quạ che đầu. Khăn là một vuông vải nhuộm đen hay nâu. Nhưng nhà giàu ở Thăng Long - Hà Nội thay vì khăn vải thường, họ dùng khăn bằng gấm hay sa tanh. Ngoài "mớ ba, mớ bẩy", đàn bà con gái còn có áo chống rét gọi là áo bông trần, áo khâu bằng tay. Sợi bông cũng được dàn mỏng và làm đủ các công đoạn như làm chăn, song thay vì trần bằng vải màn, người ta dùng vải dày và trần hình quả trám. Làm xong từng miếng, thợ khâu mới cắt những miếng đó thành thân, tay rồi khâu thành áo. Tuy nhiên, áo bông trần hở cổ, không có khuy nên các bà các cô thắt thêm dây lưng vừa giữ hai vạt khép lại, vừa làm duyên và dây lưng cũng để bọc tiền bên trong. Thăng Long - Hà Nội thì khác hơn, tầng lớp trung lưu may bằng sa tanh trơn, sang nữa thì dùng gấm hoa. Lại có áo bông từ Trung Quốc sang được gọi là áo bông Tầu, kiểu dáng cơ bản như áo bông trần nhưng khác là có khuy vải đến tận cổ, mầu sắc phong phú hơn.
Đàn ông cũng có áo bông chống rét nhưng khác của đàn bà là không có tay, múi trần cũng hình quả trám to hơn. Áo trấn thủ của bộ đội thời kháng chiến chống Pháp có xuất xứ từ áo bông này, có khác là áo trấn thủ cài khuy còn áo bông có dây buộc bên hông. Bên trong áo bông, bên ngoài áo lương, loại áo dài đến đầu gối là có thể chống chọi với cái lạnh. Giày dép thì chỉ tầng lớp trung lưu mới có, còn dân lao động nói chung đi chân trần.
Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội năm 1882, sau đó bình định miền Bắc thì chống rét bắt đầu khác. Họ xây nhà theo kiến trúc Châu Âu. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mái nhà lợp ngói nhưng họ có trần trát bằng vôi ngâm với rơm nên căn phòng rất kín, nhà nào cũng có lò sưởi ở phòng khách. Người Pháp mang chăn len, chăn sợi, chăn lông cừu, các kiểu quần áo chống rét từ Châu Âu sang để chống lại cái lạnh giá do hơi ẩm trong không khí rất cao. Ra đường, đàn ông có áo vét, áo măng tô, khăn quàng cổ, giày da, tất và mũ. Phụ nữ cũng áo măng tô, áo len đan, áo sợi đan, áo vét một lớp, hai lớp kèm theo khăn mỏng vừa che ấm cổ vừa làm duyên. Lại thêm tất sợi hay tất len, găng tay và đội thêm chiếc mũ bằng vải mềm kiểu cách nên họ đủ sức chống chọi lại những đợt rét kéo dài với mưa phùn gió bấc. Thấy tiện lợi và ấm áp nên các gia đình trung lưu cũng mua dùng. Còn dân nghèo thành thị thì vẫn là chăn bông, chăn sợi.
Thời bao cấp ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng ngoài những đồ chống rét từ thời Pháp truyền lại thì dần có sự thay đổi. Cơ bản, các gia đình vẫn đắp chăn bông, chỉ có điều chất lượng không tốt như trước, bông chỗ mỏng chỗ dày nên nhiều nhà đành phải thuê dân Trát Cầu làm lại. Cùng với chăn, các xí nghiệp còn làm các cốt áo bông với nhiều kích cỡ khác nhau, sau đó ngành thương nghiệp nhận về bán tại các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Để che cốt, người ta may thêm vỏ áo bằng vải sợi bông dày màu xanh công nhân, có hai túi chéo hai bên nhưng cũng có khi là ba túi nổi, bên trong có khuy cài vào cốt bông cho gọn gàng. Do màu xanh rất nhanh bạc nên nhiều người mang nhuộm màu tím than hay màu đen. Thiếu thốn nên hầu như các gia đình đều theo kiểu anh mặc chật thì lại đến em, rách thì vá víu lại. Cái cốt có tã ra cũng không thể bỏ đi, mua cái vỏ mới che bên ngoài nên cũng không ai biết. Cùng với áo đại cán, áo bông rất đặc trưng cho Hà Nội thời kỳ trước năm 1975. Sau ngày thống nhất đất nước, bộ đội phục viên xuất ngũ, cán bộ đi công tác miền Nam ra, ngoài khung xe đạp, búp bê, thế nào cũng mua vài chiếc áo mút cổ lọ.
Nói chung, đồ chống rét phong phú hơn trong những năm 1980 nhờ người đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu gửi về, từ giày, tất, len và đặc biệt là áo "lông Đức".