Thông xe tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thời gian di chuyển còn 1 giờ

Đời sống - Ngày đăng : 22:43, 05/12/2015

(HNMO) – Chiều nay (5/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ thông xe toàn tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là tuyến đường cao tốc có vị trí quan trọng trong hệ thống đường cao tốc ở nước ta, tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Tham dự có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường cao tốc hiện đại dài hơn 105km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Đây là công trình hạ tầng đường bộ lớn và hiện đại nhất hiện nay với tiêu chuẩn đường cao tốc quốc tế loại A, quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, cho phép tốc độ tối đa lên tới 120km/h.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi Lễ


Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện đại nhất hiện nay đưa vào khai thác, sẽ tạo xung lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với các đường cao tốc khác như: Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và tới đây là cao tốc Tân Vũ - Lạch Huyện, Hải Phòng - Hạ Long… sẽ tạo thành mạng lưới đường cao tốc kết nối thông suốt, hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gắn với các sân bay, cảng biển quốc tế, không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam được giao làm chủ đầu tư; các bộ ngành, địa phương liên quan; các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công; cán bộ, kỹ sư, người lao động đã kiên trì, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để hôm nay đưa dự án trọng điểm quốc gia vào khai thác, nhất là nỗ lực huy động các nguồn lực để thực hiện dự án trong điều kiện khó khăn, số vốn đầu tư thực hiện thấp hơn tổng mức phê duyệt và đạt yêu cầu chất lượng quốc tế…

Để quản lý sử dụng tốt đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hạng mục phụ trợ của tuyến đường cao tốc đảm bảo đúng thiết kế và tiêu chuẩn nhằm khai thác hiệu quả nhất, an toàn nhất, đồng thời huy động các nguồn lực theo cơ chế thị trường, phát huy kinh nghiệm và nhân lực để tiếp tục đầu tư các dự án, công trình hạ tầng quan trọng khác. Các địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cập nhật lại quy hoạch giao thông xây dựng hình thành khung hạ tầng giao thông đồng bộ trong khu vực, tạo xung lực cho sự phát triển.

Đánh giá cao, cảm ơn hơn 47.000 hộ dân trong vùng dự án đi qua đã chấp nhận tái định cư, bàn giao đất để xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tôi hết sức lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, chăm lo về việc làm và đời sống cho 47.000 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các địa phương chắt chiu ngân sách, gắn với các cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, cùng nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 2.000 km đường cao tốc, đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn các ngân hàng quốc tế đã tài trợ vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và mong muốn các ngân hàng quốc tế tiếp tục hợp tác, tài trợ phát triển cho Việt Nam, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn nút thông xe toàn tuyến Hà Nội - Hải Phòng


Ông Đào Văn Chiến, Phó Tổng giám đốc VIDIFI cho biết “dự án có tổng mức đầu tư 45.487 tỉ đồng, đạt chuẩn cao tốc loại A, dài 105,5 km, với 6 làn xe, (mỗi làn rộng 3,75 m) và 2 làn dừng khẩn cấp (mỗi làn rộng 3 m), đạt tốc độ thiết kế 120 km/giờ, khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian chạy xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn 1 giờ, đồng thời giảm lưu lượng đáng kể cho QL5 đang ngày càng trở nên quá tải”.

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là tuyến đường đầu tiên ở Việt Nam được sử dụng bêtông nhựa polime dày 5cm phía trên để giảm khả năng hằn lún vệt bánh xe khi xe chở quá tải đi vào. Dải phân cách giữa lòng đường được đúc bằng bê tông với chiều cao hơn 1 m, có gắn phản quang giúp lái xe dễ quan sát vào ban đêm và tránh được ánh đèn pha của các xe đi ngược hướng, qua đó giảm bớt nguy cơ xảy ra tai nạn.

Toàn tuyến được bố trí 2 trạm thu phí lớn tại vị trí đầu tuyến tại Km10+600 thuộc địa phận Hưng Yên với qui mô 14 làn thu phí và cuối tuyến tại Km94+900 thuộc địa phận Hải Phòng với quy mô 16 làn thu phí. Các trạm thu phí khác bố trí trên nút giao với các đường quốc lộ với quy mô 4-10 làn thu phí.


Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được áp dụng mức phí 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn, phân thành 5 nhóm xe và tính phí theo quãng đường thực đi. Theo đó, mức phí thấp nhất đi toàn tuyến với xe dưới 12 chỗ, xe buýt, xe tải trọng dưới 2 tấn là 160.000 đồng. Mức phí cao nhất cao nhất trên toàn tuyến là 840.000 đồng áp dụng với xe tải trọng 18 tấn trở lên.

Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sử dụng hệ thống thu phí khép kín với công nghệ thẻ IC của Nhật Bản, có thể phát hành thẻ tự động, Sau khi nhận thẻ, barrier sẽ tự động mở cửa cho xe đi qua


Để hoàn vốn, VIDIFI được Chính phủ cho quyền quyết định mức thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo từng thời kỳ; kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đường và được độc quyền kinh doanh quảng cáo dọc theo tuyến đường; quản lý, thu phí ở hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5; đầu tư các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến với đường cao tốc và một số quyền khác.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công từ tháng 9/2008, đi qua TP Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, có điểm đầu giao cắt với đường vành đai III Hà Nội (cách mố Bắc cầu Thanh Trì 1.025 m về phía Bắc Ninh) thuộc địa phận thôn Thượng Hội, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Điểm cuối là cảng Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng. 

Hướng vào cao tốc đi từ Hà Nội lên cao tốc ở nút giao đầu tuyến với đường vành đai III Hà Nội: 

- Từ đường vành đai 3 - TP Hà Nội, xe đi theo hướng từ cầu Thanh Trì đi Quốc lộ 5, Bắc Ninh hoặc ngược lại, gặp biển báo "Lối vào đường cao tốc" (cách mố Bắc cầu Thanh Trì khoảng 1,25km) rẽ phải theo biển chỉ dẫn để nhập vào đường cao tốc. 

- Từ trung tâm TP Hà Nội, xe đi qua cầu Vĩnh Tuy, rẽ phải theo đường Cổ Linh (Long Biên), gặp biển báo chỉ dẫn hướng đi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lên đường vành đai III rẽ phải theo biển chỉ dẫn để nhập vào đường cao tốc.


Hướng ra cao tốc: 

- Đi cầu Vĩnh Tuy, trung tâm Hà Nội, xe đi theo hướng Hải Phòng - Hà Nội đến Km 0+600 gặp biển báo chỉ hướng đi cầu Vĩnh Tuy, Thạch Bàn, rẽ phải theo biển chỉ dẫn ra đường Cổ Linh lên cầu Vĩnh Tuy để vào trung tâm TP Hà Nội.

- Đi cầu Thanh Trì, Bắc Ninh, QL5: Xe đi trên đường cao tốc hướng từ Hải Phòng về Hà Nội: Đến Km 0+200 gặp biển báo chỉ hướng rẽ phải theo đường nhánh để đi QL5, Bắc Ninh, Lạng Sơn; đi thẳng lên cầu vượt xuống đường vành đai III để đi câu Thanh Trì, Mỹ Đình, Pháp Vân.


Bùi Việt