Mời Montenegro gia nhập NATO: Đông - Tây tiếp tục đối đầu

Thế giới - Ngày đăng : 08:03, 05/12/2015

(HNM) - Mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đứng trước nguy cơ một cuộc đối đầu mới khi NATO chính thức thông qua quyết định mời Montenegro khởi động các cuộc đàm phán để gia nhập khối quân sự này.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (bên phải) đã thông báo việc mời Montenegro khởi động đàm phán gia nhập khối quân sự này.


Lời mời quốc gia chỉ với 650.000 dân trở thành thành viên thứ 29 được đưa ra 16 năm sau khi NATO ném bom Montenegro trong cuộc chiến tranh Kosovo.

Sự kiện quốc gia có dân số ít nhất ở khu vực Đông Âu, nằm dọc biên giới với Serbia và Kosovo được mời gia nhập tổ chức quân sự lớn nhất thế giới là một bằng chứng nữa cho thấy cuộc đối đầu Đông - Tây vẫn diễn ra gay gắt. Đây là lần mở rộng thành viên đầu tiên của NATO kể từ năm 2009 đến nay. Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ nước Nga, tham vọng mở rộng phạm vi hoạt động cũng như chiến lược "Đông tiến" được thể hiện rất rõ qua từng bước đi của NATO thời gian qua.

Với chiến lược "Đông tiến", từ chính trị đến kinh tế và cuối cùng là quân sự - quốc phòng, NATO đang thu hút các nước thuộc "không gian hậu Xô viết". Năm 1999, ba nước gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary trở thành thành viên chính thức của NATO; năm 2004 là Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia; năm 2009 là Croatia, Albania và tiếp theo sẽ là Montenegro. Nếu kế hoạch kết nạp Montenegro thành công, NATO đã "nuốt" gần hết "không gian hậu Xô viết" - vùng ảnh hưởng quan trọng của Nga sau nhiều năm thực hiện tham vọng "Đông tiến".

Đó là lý do vì sao ngay sau khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo mời Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Montenegro tham gia hội nghị của khối ở Brussels (Bỉ) lập tức đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Nga. Trong một phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nêu rõ: Những bước leo thang mới của tổ chức này trực tiếp ảnh hưởng tới các lợi ích của Nga và buộc Mátxcơva phải đưa ra những phản ứng thích hợp.

Thông cáo được phát đi từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: Mátxcơva xem quyết định của NATO khởi động các cuộc đàm phán về kết nạp Montenegro là một bước đối đầu công khai, mang đến hậu quả bất ổn cho hệ thống an ninh khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương. Theo quan điểm của Nga, việc NATO mở rộng không gian chiến lược sang khu vực Balkan không thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực nói riêng cũng như Châu Âu nói chung. Trái lại, việc kết nạp các nước khu vực như Montenegro, có thể khiến quan hệ Nga và NATO thêm phức tạp bởi đây là một sai lầm và một sự khiêu khích.

Không chỉ lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định trên của NATO, trong một tuyên bố mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Ozerov cảnh báo sẽ hủy bỏ các chương trình chung với Montenegro, kể cả trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự trong trường hợp quốc gia này gia nhập NATO. Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga cũng phản ứng mạnh mẽ, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nikolai Levichev tuyên bố sự xuất hiện căn cứ quân sự NATO tại Montenegro sẽ khiến Nga ngừng đầu tư vào nước này. Việc Montenegro gia nhập liên minh quân sự của phương Tây sẽ tạo thêm căng thẳng trong khu vực, Nga đã lường trước được vấn đề và sẽ có những đối phó tương xứng.

Dù đến nay, các bên tham gia hội nghị của NATO vẫn chưa ấn định thời điểm hoàn tất đàm phán, song các bên hy vọng tiến trình này sẽ diễn ra nhanh chóng và quốc gia Nam Tư cũ có thể gia nhập NATO trong khoảng 2 năm tới. Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg cho rằng đây chỉ là bước khởi đầu để Montenegro có thể trở thành thành viên thứ 29 của NATO.

Để gia nhập khối quân sự này, Montenegro cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là chống tham nhũng và tăng cường sự ủng hộ của người dân trong nước đối với tiến trình gia nhập NATO. Trong bối cảnh đó, những sức ép từ Nga cũng là thách thức không nhỏ đối với tham vọng "Đông tiến" của khối quân sự lớn nhất thế giới cũng như quyết tâm gia nhập NATO của Montenegro.

Đình Hiệp