An toàn từ sự yêu thương, quan tâm chăm sóc trẻ em
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 05/12/2015
Trẻ em cần sự chăm sóc, hỗ trợ của toàn xã hội để phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Ảnh: Thái Hiền |
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2013, nước ta có 6.498 trẻ tử vong, mỗi ngày có bình quân 18 trẻ em và vị thành niên độ tuổi 0-19 tử vong do TNTT, tỷ suất là 21,1/100.000; lứa tuổi từ 0-18 có tỷ suất là 20,8/100.000, mỗi ngày có 16 trẻ tử vong. Đặc biệt, trẻ em bị TNTT ngay tại những nơi tưởng chừng phải bảo đảm an toàn cho trẻ như trong nhà, ở trường học, nơi sinh hoạt công cộng…
Điều này có nguyên nhân từ nhận thức không đầy đủ của người dân và môi trường thiếu an toàn. Theo báo cáo kết quả triển khai chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2013-2015, hiện mới có 63% cầu thang có tay vịn, 61% cầu thang có thanh chắn; 89% sàn nhà tắm an toàn cho trẻ và có tới 82% nguồn nước ao, hồ, sông… không có rào chắn, cảnh báo, không an toàn với trẻ em…
TNTT trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, tinh thần, thiệt hại về kinh tế cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong rất nhiều trường hợp, các gia đình, các bậc cha mẹ có con bị TNTT dẫn đến tàn tật, tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước, do sự bất cẩn của người lớn đã bị ảnh hưởng về mặt tinh thần, tâm lý nặng nề, kéo dài rất nhiều năm. Với trẻ em là nạn nhân bị thương tật suốt đời thường bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, bị tước đoạt các cơ hội phát triển. Ước tính mỗi năm, thiệt hại do TNTT gây ra và chi phí khắc phục hậu quả khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Thực tế cho thấy, TNTT đã làm nghèo từng gia đình mắc phải, làm nghèo đất nước và gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng, xã hội.
Ngày 11-11-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2158/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2013-2015, nhằm từng bước hạn chế tình trạng trẻ em mắc và tử vong do TNTT, đặc biệt tập trung giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước. Sau hai năm thực hiện quyết định này, công tác truyền thông được tăng cường, qua đó, nhận thức của cộng đồng, của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ và của chính trẻ em về phòng TNTT đã nâng cao một bước.
Công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn như "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn", "Cộng đồng an toàn" đã được triển khai trên toàn quốc. Tại nhiều nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, công tác phòng, chống TNTT trẻ em được triển khai theo mô hình "Trường học an toàn". Nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng. Đến nay, toàn quốc đã có 3 triệu "Ngôi nhà an toàn", 7.217 "Trường học an toàn", 1.824 xã, phường đạt tiêu chuẩn "Cộng đồng an toàn" phòng, chống TNTT trẻ em; hơn 900.000 học sinh tiểu học đã được học bơi; 80% trẻ được mặc áo phao khi đi qua đò, tàu, thuyền…
Với trách nhiệm được Chính phủ phân công, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016-2020, tập trung vào nâng cao nhận thức cho cộng đồng, từng bước hạn chế tình hình mắc và tử vong do TNTT trẻ em, đặc biệt với các tai nạn có nguy cơ tử vong cao như đuối nước, tai nạn giao thông. Dù vậy, trách nhiệm bảo vệ an toàn cho trẻ em trước hết thuộc về gia đình, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo. Nếu thực sự quan tâm, yêu thương, có trách nhiệm với hạnh phúc con trẻ, chắc chắn các bậc cha mẹ, thầy cô giáo sẽ có phương cách phù hợp để cảnh báo, bảo vệ trẻ an toàn, không để xảy ra những điều đáng tiếc.