Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khoá XIV thành công tốt đẹp

Xã hội - Ngày đăng : 16:43, 04/12/2015

(HNMO) - Hôm nay, 4/12, kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV đã chính thức bế mạc sau bốn ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, khách quan và dân chủ. Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ về kiện toàn nhân sự, bầu đồng chí Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Ngày 1/12/2015, kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã chính thức khai mạc. Kỳ họp dành 4 ngày để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Thành phố năm 2015, nhiệm vụ năm 2016; xem xét quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch đầu tư công trung hạn; xem xét việc bổ sung một số mức phí...

Tới dự có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Thành ủy Hà Nội; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc sáng nay, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã ghi nhận và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong năm 2015; hoan nghênh kết quả của HĐND các cấp TP đạt được trong thời gian qua.

Trong phiên làm việc ngày 1/12, HĐND Thành phố nghe UBND Thành phố báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng; công kiểm sát; công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2015.

Trong ngày làm việc thứ hai (2/12/2015), các đại biểu tiếp tục thông qua các nghị quyết trong khi ngày 3/12, HĐND Thành phố Hà Nội đã dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND Thành phố về các vấn đề nóng được nhiều cử tri quan tâm.

Báo cáo hoạt động HĐND TP năm 2015, ông Nguyễn Văn Nam, Thường trực HĐND TP, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách đánh giá HĐND TP đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của HĐND các cấp, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Thảo luận về vấn đề thu ngân sách trong phiên làm việc sáng ngày 2/12/2015, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội, cho rằng cần phải quan tâm đến vấn đề lãng phí tài sản công, đặc biệt là vấn đề nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) nhấn mạnh đến việc chấn chỉnh vi phạm và xử lý vi phạm trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đồng thời có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ ngân sách thành phố dành cho các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại của thành phố Hà Nội.

Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết tội phạm công nghệ cao, chiếm đoạt tài sản qua mạng đang nổi lên với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện, xử lý. Tội phạm về tham nhũng, kinh tế chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gây thiệt hại lớn về tài sản.

Trả lời về kết quả khắc phục sai phạm tại 18 dự án khu đô thị được UBND TP thanh tra năm 2015, GĐ Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết các chủ đầu tư đã tuân thủ khá tốt và cam kết thực hiện các mức xử phạt hành chính.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết các hạn chế trong quản lý nhà công là thuộc về cơ chế quản lý chứ không phải lỗi ở mô hình tổ chức. Sở sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan để xác định danh mục quỹ nhà này, từ đó có cơ chế quản lý, chính sách với từng loại nhà nhằm phục vụ tốt nhất cho đối tượng sử dụng.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Minh Hải, hiện tổng nợ thuế phí của các doanh nghiệp là hơn 6.900 tỷ đồng, giảm so với 2014. Nhiều đơn vị rất khó khăn và khó có khả năng thu hồi. Trong số nợ thuế, trên 50% là của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản. Thành phố và các địa phương đã làm việc rất quyết liệt, nhưng đây thực sự là khó khăn thách thức với cả doanh nghiệp và ngành thuế.

Chiều 3/12, các đại biểu đã chất vấn các vấn đề phòng cháy chữa cháy; nhà tái định cư và xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng; nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, vấn đề phòng cháy chữa cháy đã khiến nghị trường thực sự "nóng."

Đại biểu Lê Văn Thành (Thanh Xuân) cho rằng, nếu hiện nay tội giết người thường bị kết án ở mức chung thân hoặc tử hình thì việc đưa chất độc hại vào thực phẩm là giết người thẩm lặng rõ ràng chưa được xử lý thích đáng. Những năm qua TP đưa ra nhiều biện pháp, chế tài nhưng vi phạm vẫn tràn lan và không kiểm soát được. Nguyên nhân do chế tài quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý cho biết, năm 2014, chỉ số PCI của Hà Nội xếp thứ 26/63 tỉnh thành, tăng 7 bậc so với năm 2013. Có 9 tiêu chí đánh giá PCI thì có 3 chỉ tiêu Hà Nội ở mức tốt, còn 4 chỉ tiêu ở mức thấp gồm: Môi trường cạnh tranh bình đẳng, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sử dụng đất đai và tính năng động của lãnh đạo.

Riêng với nội dung chất vấn nhóm vấn đề kinh tế, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP cần có những giải pháp như tiếp tục tăng cường thu nợ thuế, đồng thời hỗ trợ DN, để DN phát triển sản xuất để có tiền trả nợ. Tập trung phân loại các loại nợ, phân cấp trách nhiệm các biện pháp mạnh, đúng luật tập trung vào nợ có khả năng thu là 19.000 tỷ đồng.

Các đại biểu trong phiên họp ngày 3/12/2015.

Trả lời chất vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, GĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận dù đã có cố cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong linh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã thành lập thí điểm lực lượng thanh tra chuyên ngành về y tế tại 5 quận huyện trên địa bàn.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã có 20 lượt đại biểu nêu câu hỏi và tái chất vấn với UBND TP về 3 nhóm vấn đề kinh tế, quản lý đất đai và văn hoá xã hội. Phiên chất vấn được 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP và 9 giám đốc sở ngành trực tiếp trả lời.

Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp Thành phố Hà Nội năm 2016 và quyết định giao biên chế cho các cơ quan của Thành phố, quận, huyện, thị xã Hà Nội đã được thông qua sáng 4/12. Trong năm sau, biên chế công chức của Hà Nội gồm 9.267 biên chế (8 dự phòng); Lao động HĐ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.354 chỉ tiêu; Lao động HĐ theo định mức là 412 chỉ tiêu.

Các đại biểu giơ tay thông nghị quyết của HĐND Thành phố năm 2016.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trong ngày làm việc cuối. Tham gia bỏ phiếu bầu Chủ tịch UBND Thành phố có 89 đại biểu trên tổng số 92 đại biểu HĐND Thành phố. Theo kết quả công bố, đồng chí Nguyễn Đức Chung đã trúng cử chức danh Chủ tịch UBND Thành phố với 87 phiếu ủng hộ, đạt tỷ lệ 94,56%.

Đại diện Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội tặng hoa đồng chí Nguyễn Thế Thảo. Sau khi được Bộ Chính trị và HĐND Thành phố cho thôi giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố, đồng chí sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI và Đại biểu HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2011-2016.

Tới dự và phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Phạm Quang Nghị đã đánh giá cao hoạt động của HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ khóa XIV, có nhiều quyết sách quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của Thủ đô và cả nước. Vai trò của từng đại biểu HĐND Thành phố không ngừng được khẳng định, phát huy và nâng cao.

Thay mặt Thường trực Thành uỷ, Phó Bí thư thường trực Ngô Thị Thanh Hằng trao bó hoa chúc mừng tân Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch HĐNĐ Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tổng kết kỳ họp.

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành Phố Nguyễn Đức Chung trả lời phỏng vấn của báo chí sau buổi họp.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh