Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giai đoạn 2016-2020: Đồng bộ và quyết liệt
Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 04/12/2015
Thành phố Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng để giải quyết ùn tắc giao thông. Ảnh: Vũ Thế Bảo |
Như vậy, đây sẽ là cơ sở quan trọng để TP Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm tối thiểu 40 điểm UTGT, giảm thời gian ùn tắc; giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% hằng năm trên cả 3 tiêu chí: về số vụ, số người chết và số người bị thương…
Theo UBND TP Hà Nội, chương trình mục tiêu giảm UTGT giai đoạn 2011-2015 đã đem hiệu quả rõ rệt. Số "điểm đen" UTGT trên địa bàn thành phố sau 4 năm thực hiện chương trình đã giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm; tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố nhiều khu vực có mật độ giao thông cao, đặc biệt là khu vực phía Tây của Thủ đô và khu vực giữa Vành đai 3 - Vành đai 2, lại đang có nhiều công trình trọng điểm đang thi công, phải rào chắn như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đường Vành đai 2 (các đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, Nhật Tân - Cầu Giấy)…
Bên cạnh đó, với sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân (tăng trung bình khoảng 10%/năm), cộng với ý thức một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chưa đáp ứng yêu cầu nên tình hình UTGT trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố xác định chỉ tiêu cụ thể của chương trình là giảm tối thiểu 40 điểm UTGT và không để xảy ra tình trạng UTGT kéo dài trên địa bàn, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% hằng năm trên cả 3 tiêu chí: về số vụ, số người chết và số người bị thương. Phần lớn nguồn kinh phí trên được dành để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm (hơn 1.700 tỷ đồng sẽ phân kỳ đầu tư theo từng năm), trong đó có 10 dự án đã được phê duyệt danh mục giai đoạn 2012-2015 chuyển tiếp sang và 6 dự án mới.
Cụ thể: 10 dự án chuyển tiếp (tổng mức đầu tư khoảng 830 tỷ đồng), gồm xây dựng Cầu Mọc; cầu vượt tại ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; cải tạo mở rộng cầu Trung Tự kết hợp chỉnh trang tuyến đường Phạm Ngọc Thạch; cải tạo, chỉnh trang khu vực nút giao đầu cầu phía bắc cầu Chương Dương; xây dựng cầu Bắc Linh Đàm; cải tạo, mở rộng tuyến đường dọc đê Long Biên - Bác Cổ - cầu Vĩnh Tuy; xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ; xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến Sông Lừ, quận Thanh Xuân; xây dựng cầu đi bộ kết hợp cho xe thô sơ và xe máy qua đường Bắc Thăng Long - Nội Bài tại đoạn giao cắt Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza sang Khu công nghiệp Quang Minh I. 6 dự án mới có tổng mức đầu tư 910 tỷ đồng, gồm xây dựng cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; cầu vượt tại nút giao quốc lộ 5 - Trâu Quỳ, cầu vượt cho người đi bộ trên các tuyến Cửa Bắc - Tân Ấp, cầu vượt qua phố Yên Phụ tại khu vực gần cửa khẩu An Dương, cầu đi bộ trên đường Giải Phóng (cầu Kim Đồng) và một số cầu đi bộ khác.
Ngoài ra sẽ xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng, trung tâm quản lý điều hành giao thông; triển khai giai đoạn 2 dự án nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Bên cạnh đó, chương trình sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải Thủ đô, tăng cường áp dụng hình thức phạt nguội qua hình ảnh lưu trữ tại trung tâm quản lý điều hành giao thông; cải tạo, sửa chữa hoặc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông độc lập, dự kiến giai đoạn 2016-2020 cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu; tiếp tục lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét...
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ khác như giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, giải tỏa các lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; rà soát, sắp xếp các điểm đỗ xe trên hè và lòng đường để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đi lại; phân luồng, tổ chức giao thông; tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông…
Xung quanh việc HĐND TP Hà Nội thông qua chương trình mục tiêu chống UTGT giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm phù hợp, bởi UTGT vẫn đang là một trong những vấn đề "nóng" của Thủ đô. Chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những thành quả nhất định, qua đó giảm được 38 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, chính những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư đã khiến nhiều dự án mục tiêu trở nên dang dở hoặc phải đình hoãn nên chưa phát huy hiệu quả đầu tư.
Do đó, nguồn vốn vừa được duyệt chi này càng cần phải được sử dụng hiệu quả, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để tránh đầu tư dàn trải. Cùng với đó, cần tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế mật độ dân cư nội đô; đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình.