Tiếp cận vốn ưu đãi: Dễ mà... khó!
Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 04/12/2015
Làm thủ tục vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Tuy nhiên rào cản lớn nhất của nguồn vốn này chính là tổng nguồn còn quá hạn chế, nhiều vùng nông thôn đang "bung" các mô hình kinh tế hiệu quả nhưng nông dân chưa thực sự được thỏa sức làm giàu.
Ðến thôn Bái Nội, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, chúng tôi được nghe nhiều về gia đình chị Đỗ Thị Thơm, nhờ được tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã thoát nghèo. Chị Thơm kể, hai vợ chồng trẻ lấy nhau, dắt díu đi làm công nhân cho các xưởng gỗ lớn trong vùng và vào nội thành lắp đặt đồ gỗ thuê. Cuộc sống thành phố khó khăn, việc làm thất thường, mấy năm trở lại đây cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, vợ chồng chị quyết tâm về lập nghiệp tại làng quê.
Ban đầu làm gia công cho các xưởng lớn, công việc ổn định dần, đến nay vợ chồng chị đã đầu tư được cả tỷ đồng để mua sắm máy móc thiết bị chế biến gỗ và gia công nội thất từ gỗ. Để có được cơ ngơi hôm nay, vợ chồng chị Thơm không quên đồng vốn ưu đãi ban đầu lập nghiệp của Ngân hàng CSXH, cả những năm sau này từ nguồn vốn giải quyết việc làm đã giúp gia đình mở mang sản xuất. Anh Đỗ Đình Hồng, Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm thôn Bái Nội cho hay, hiện có dư nợ 1,2 tỷ đồng cho 47 hộ dân vay, trong đó đa phần là cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường… còn đồng vốn giải quyết việc làm của thôn thì mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.
Bởi trong 3 năm trở lại đây, toàn thôn Bái Nội có tới cả trăm thanh niên, gia đình trẻ làm kinh tế với mô hình chính là đầu tư trang trại sau dồn điền đổi thửa và làm xưởng gỗ, gia công đồ dân dụng cho các công ty lớn. Mỗi xưởng tận dụng mặt bằng của gia đình, thu hút từ 3 đến 5 lao động, bảo đảm công việc và thu nhập ổn định. Tuy nhiên đồng vốn ưu đãi thông qua giải quyết việc làm quá nhỏ, mỗi hộ chỉ vay được 15-20 triệu đồng, chưa đến tầm để đầu tư nâng cấp máy móc.
Ông Tạ Văn Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đồng vốn ưu đãi thực sự là phao cứu sinh của nông thôn trong những năm suy thoái kinh tế vừa qua. Thông qua việc triển khai tín dụng chính sách đã làm thay đổi tư duy nhận thức làm kinh tế của người dân, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa nên đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ đó, đời sống của nông dân đã có nhiều cải thiện rõ nét. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách còn góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, tuy nguồn vốn còn khó khăn chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhu cầu của nhân dân.
Đối với Chương trình cho vay giải quyết việc làm ở nông thôn, những hộ gia đình sản xuất vừa và nhỏ rất cần nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH để giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, đồng thời thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để làm tín chấp vay vốn được dễ dàng hơn, thuận tiện hơn. Ngay trong 19 tiêu chí của xây dựng NTM, rất nhiều nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH sẽ giúp cho việc thực hiện các tiêu chí ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hoàn thành mục tiêu. Nhiều chính sách về tín dụng cho người nghèo đã được điều chỉnh, đặc biệt là nâng số tiền cho vay lên 50 triệu đồng/hộ đối với nhiều chương trình thay vì 20 - 30 triệu đồng như trước đây. Nhưng thực tế đến thời điểm này, hầu hết các hộ dân chưa được vay với con số tối đa này vì nguồn vốn còn quá ít, nhu cầu lại lớn nên các tổ tín chấp đều phải chọn hình thức chia đều đồng vốn, mỗi hộ thực tế chỉ được vay ở mức 20 triệu đồng/hộ.
Đại diện Ngân hàng CSXH huyện Quốc Oai thừa nhận: Với tổng nguồn vốn trên địa bàn huyện mới đạt trên 222 tỷ đồng nên chỉ đáp ứng được các chương trình cho vay học sinh, sinh viên, hộ nghèo, còn giải quyết việc làm đang thực sự rất khó khăn. Ngoài việc đáp ứng đủ về số lượng đối tượng thì khi các quyết định mới nâng mức cho vay lên 50 triệu đồng/hộ thực sự là một áp lực không hề nhỏ đối với địa phương vì tổng nguồn chưa tăng.
Được biết trong những năm qua, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc tăng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho chương trình giải quyết việc làm, các huyện cũng chung tay vào cuộc. Hiện tổng đồng vốn giải quyết việc làm từ các nguồn của Hà Nội đã đạt trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên do khu vực ngoại thành dân cư đông, các hộ dân làm ăn kinh tế hộ, mở mang làng nghề, dịch vụ nhiều, nhu cầu cao nên với mức vay mới lên tới 50 triệu đồng/hộ thực sự là một áp lực lớn cho hệ thống Ngân hàng CSXH cơ sở và các hội đoàn thể tín chấp vì nguồn vốn tăng trưởng chưa tương xứng. Mong rằng trong thời gian tới, thành phố quan tâm hơn nữa đến đồng vốn chính sách từ nguồn giải quyết việc làm cho khu vực ngoại thành, để giải dần cơn khát mang tên - đồng vốn giải quyết việc làm.