Quyết tâm hiệp lực chống khủng bố

Thế giới - Ngày đăng : 06:47, 04/12/2015

(HNM) - Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã tiến hành các đợt không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria sau khi Hạ viện nước này thông qua kế hoạch mở rộng không kích tổ chức IS sang lãnh thổ Syria theo đề xuất của Thủ tướng David Cameron.


Máy bay ném bom của không quân Hoàng gia Anh.


Hạ viện Anh đã "bật đèn xanh" ủng hộ Thủ tướng D.Cameron trong việc tiến hành không kích khủng bố IS tại Syria, cho rằng đây là mối hiểm họa cho nước Anh. Sở dĩ kế hoạch mở rộng không kích IS của ông Cameron có thể vượt qua "cửa ải" Hạ viện là có khoảng 40 nghị sĩ Công đảng đối lập tẩy chay quan điểm của nhà lãnh đạo đảng này là ông Jeremy Corbyn và quay sang ủng hộ hành động tăng cường quân sự. Ngay trước phiên thảo luận và bỏ phiếu tại Hạ viện tối 2-12, giới hoạch định kế hoạch quân sự Anh đã tính tới phương án tăng cường triển khai máy bay chiến đấu tới căn cứ không quân trên đảo Cyprus, sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng không kích vào các căn cứ của IS. Trước đó, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch tham chiến tại Syria. Với việc triển khai máy bay do thám Tornado, máy bay tiếp nhiên liệu, một tàu khu trục nhỏ và khoảng 1.200 binh sĩ để vận hành các máy bay và tàu thuyền tới khu vực này, đây sẽ là đợt triển khai quân đội lớn nhất của quân đội Đức ở nước ngoài.

Sự kiện hai cường quốc Châu Âu quyết định can dự trực tiếp vào cuộc chiến chống IS có thể coi là bước ngoặt bởi trước khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) vào tối 13-11, IS dường như đã thành công trước sự chần chừ của phương Tây. Nói cách khác, phương Tây vẫn đánh giá quá thấp khả năng của tổ chức khủng bố này. Kể từ sau sự kiện ngày 11-9, Al-Qaeda đã nhiều lần cố gắng nhưng thất bại trong việc tấn công các máy bay thương mại.

Do đó, nhiều cơ quan tình báo phương Tây tin rằng IS không thể thực hiện được vụ đánh bom máy bay Nga trên bán đảo Sinai hôm 31-10. Các vụ tấn công khủng bố tại Paris một lần nữa là minh chứng những gì chủ nghĩa khủng bố có thể thực hiện. Thêm nữa, mặc dù phương Tây vốn không chấp nhận chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng các lực lượng nổi dậy ở Syria lại không đủ mạnh, đủ thống nhất và ôn hòa về mặt tín ngưỡng để hỗ trợ dưới mặt đất khi máy bay của liên minh quốc tế không kích IS. Do đó, dường như các lãnh đạo thế giới gặp khó trong việc tìm giải pháp hiệu quả và chỉ dừng lại ở việc tổ chức các cuộc không kích IS ở Syria dù kết quả không thực sự như ý. Tuy nhiên, sau khi IS tổ chức vụ tấn công khủng bố làm rung động Paris, mức độ nguy hiểm đã được lên một cấp độ khác. Hiểm họa khủng bố đã tìm đến ngay trước "cửa nhà" các nước phương Tây. Nga, Pháp, Mỹ lần lượt nhóm họp, tuyên bố gạt bỏ các bất đồng sang một bên để cùng hiệp lực chống IS. Sau đó, cả Mỹ và Pháp đều hối thúc Anh tham gia chiến dịch không kích của họ ở Syria.

Thực tế là năm 2013, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu từ chối oanh kích các mục tiêu của Chính phủ Syria. Với sự thống nhất cao vừa được thể hiện, rõ ràng rằng vụ khủng bố Paris đã khiến nhiều chính trị gia Anh thay đổi ý định. Thủ tướng D.Cameron từng tuyên bố cuộc nội chiến 4 năm qua ở Syria không thể chỉ giải quyết bằng hành động quân sự nhưng các cuộc không kích sẽ làm suy yếu tổ chức IS. Theo ông D.Cameron, đã đến lúc nước Anh phải cùng với các nước phương Tây khác không kích mạnh mẽ hơn các mục tiêu của nhóm thánh chiến này tại Syria bởi Anh không thể "phó thác" an ninh của chính mình cho các quốc gia khác. Trong khi đó, Đức cũng đã thay đổi về quan điểm và chính sách trong cuộc chiến chống lại IS khi thừa nhận, đã đến lúc phải can thiệp quân sự trực tiếp.

Mặc dù khó có thể tiêu diệt IS trong ngày một ngày hai, bởi lẽ lực lượng này hiện có mặt ở nhiều nơi và khó dự đoán tiềm lực, nhưng việc Anh và Đức tham gia cuộc chiến chống IS đã đánh dấu sự mở rộng của liên minh quốc tế chống khủng bố, củng cố quyết tâm hiệp lực tiêu diệt kẻ thù chung.

Thùy Dương