Cơ hội "vàng" cho hàng hóa xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 04/12/2015

(HNM) - Ngày 2-12 đã trở thành dấu mốc đáng ghi nhớ khi Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức ký Tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).

Thủy sản sẽ có nhiều lợi thế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực.


Đây là FTA đầu tiên EU ký kết với một quốc gia đang phát triển và cả hai bên đều mong muốn hoàn tất quá trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để Hiệp định có thể có hiệu lực từ đầu năm 2018, hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu.

Thiết lập thị trường rộng mở


EVFTA được đàm phán trong 3 năm, thông qua 14 phiên chính thức, với mục tiêu thiết lập một không gian thị trường mới, rộng mở, tạo ra điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) đầu tư, hợp tác kinh doanh, trao đổi thương mại. Theo tuyên bố chung vừa ký kết, EVFTA giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ vững chắc và lâu dài hiện nay; tạo ra nhiều việc làm tại Việt Nam và EU thông qua hoạt động đầu tư, thương mại. Đặc biệt, Hiệp định sẽ xóa bỏ hầu như toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam - EU, điều cộng đồng DN mong đợi nhất.

Được coi là hiệp định thương mại mang tính toàn diện, chất lượng, bảo đảm cân bằng lợi ích các bên, EVFTA cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ và sẽ xóa bỏ 99% dòng thuế nhập khẩu. Với 1% dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Như vậy, có thể khẳng định là hàng hóa Việt Nam, khi xuất khẩu vào thị trường EU, sẽ có lợi thế hơn rất nhiều, nhất là xét về giá bán so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác chưa ký kết FTA với EU.

Điều đó cũng có nghĩa là sức cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể và có sự ổn định lâu dài tại thị trường EU. Các chuyên gia cũng tỏ ra lạc quan về khả năng nâng cao giá trị buôn bán hai chiều, bởi đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu 2 bên có tính bổ sung cho nhau mà không "đối đầu". Trong đó, EU sẽ là nơi cung cấp các loại máy móc, thiết bị công nghệ, dây chuyền công nghệ, một số loại nông sản xứ lạnh chất lượng cao cho Việt Nam. Còn Việt Nam sẽ cung cấp những mặt hàng thế mạnh như dệt may, giày dép, nông - thủy sản, đồ gỗ...

Riêng DN ngành Dệt may được đánh giá là sẽ đi đầu trong việc tận dụng cơ hội để mở rộng quy mô xuất khẩu vào EU. Cụ thể, thuế suất đối với phần lớn hàng dệt may sẽ giảm từ 12% hiện tại xuống 0% sẽ là cú hích đối với lĩnh vực này, đồng thời đưa EU trở thành thị trường trọng điểm của hàng dệt may Việt Nam. Tương tự, sản phẩm da giày cũng sẽ tận dụng được lợi thế về thuế suất kết hợp với nguồn nhân công dồi dào và các dây chuyền sẵn có để nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa nhằm mục tiêu gia tăng thị phần tại EU.

Đồ gỗ cũng được kỳ vọng tận dụng thời cơ mới nhờ nguồn lực lao động có tay nghề và truyền thống sản xuất của hàng trăm làng nghề cổ truyền. Bên cạnh đó, các DN làm hàng theo dây chuyền hiện đại sẽ có dịp củng cố niềm tin về đầu ra để đầu tư thay đổi công nghệ, nhanh chóng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa mẫu mã và cải thiện hình ảnh, thương hiệu trong mắt giới tiêu dùng Châu Âu.

Triển vọng to lớn

Theo Bộ Công thương, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng từ 17,75 tỷ USD năm 2010 lên 36,8 tỷ USD năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng thương mại hai chiều đạt 19,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu sang EU là 14,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU là 4,5 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư, EU là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2015, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam, với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt trên 38,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Việc EVFTA có hiệu lực sẽ tác động tích cực đến thu hút đầu tư, nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và lợi thế về thuế suất. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chủ động, tăng cường đầu tư những dự án sản xuất nguyên phụ liệu và thành phẩm phục vụ mục tiêu xuất khẩu sang EU. Như vậy, dòng vốn đầu tư sẽ gia tăng cùng với cơ hội tiếp nhận công nghệ mới và tạo ra nguồn thu mới cho xã hội.

Tuy nhiên, với hàng nông - thủy sản của Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị, cần bám sát quy định, tiêu chuẩn rất phức tạp và khắt khe của EU. Bởi, nếu không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, để mất niềm tin người tiêu dùng bản địa, sẽ là tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt nói chung. Thiệt hại, không chỉ là mất mát thị phần, mà còn mất hình ảnh, thương hiệu tại thị trường giàu tiềm năng nhưng khó tính hàng đầu thế giới này.

Hồng Sơn