Công nghệ hạt nhân ngày càng an toàn

Công nghệ - Ngày đăng : 06:32, 03/12/2015

(HNM) - Phát triển điện hạt nhân đang được nhiều quốc gia Châu Á lựa chọn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng trong những thập kỷ tới.


- Ông có thể giới thiệu về tình hình phát triển ĐHN của Ấn Độ hiện nay và điều gì giúp các ông nhận được sự đồng thuận cao của công chúng?

- Chúng tôi đã vận hành thành công 21 lò phản ứng, 6 tổ máy đang được xây dựng và ít nhất 12 tổ máy đã được lên kế hoạch xây dựng trong 20 năm tới. Tất cả những kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đồng thuận của công chúng.

Mấy năm trước, Ấn Độ gặp thiên tai lớn như động đất, sóng thần… nhưng người dân không quá hoảng sợ trước ĐHN. Để có được điều này là một quá trình chuẩn bị lâu dài của chính phủ trong việc xây dựng "văn hóa an toàn" cho cộng đồng. Ngoài ra, những kế hoạch ứng phó thiên tai đã chuẩn bị trước đó luôn được thực thi nghiêm túc để người dân nhìn vào đó thấy sự nỗ lực, chủ động của chính phủ trong mọi vấn đề luôn ở mức cao nhất… Tóm lại, từ lời nói đến hành động cần phải nhất quán thì kế hoạch phát triển ĐHN mới có thể được sự ủng hộ rộng rãi.

Sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường quanh Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam (Ấn Độ).


- Những người sống trong bán kính 25km quanh nhà máy ĐHN bị ảnh hưởng nhiều nhất và là người có nhiều lợi ích liên quan nhất. Xin hỏi, người dân Ấn Độ sống trong bán kính 25km quanh nhà máy ĐHN đã phản ứng thế nào trước sự cố ở Fukushima (Nhật Bản) tháng 3-2011?

- Tôi nghĩ xác định địa điểm là vấn đề then chốt. Khi nhận được sự đồng thuận của người dân thì những sự việc phát sinh sau đó không phải vấn đề quá lớn hay quá bất ngờ. Để chọn được địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN không phải là quyết định dễ dàng. An toàn luôn là mối băn khoăn hàng đầu. Những người sống trong bán kính 25km quanh nhà máy cần được thông tin nhiều nhất để họ hiểu và tin tưởng, hơn nữa không phải thông tin một lần mà thường xuyên, không phải chỉ trong một ngày hoặc một tháng. Nhờ đó, khi có sự cố xảy ra người dân vẫn có thể vững tâm.

Đối với người dân sống trong bán kính 1,5-25km, chúng tôi có rất nhiều hoạt động. Càng gần nhà máy các chương trình càng được ưu tiên hơn, đặc biệt là các chương trình nhận thức rủi ro, giảm thiểu rủi ro. Đây là một lẽ hết sức bình thường khi đứng trước một vấn đề nguy hiểm, người ta vẫn thường lo lắng. Nhưng mọi thứ đều có luận cứ khoa học và bằng chứng thực tiễn. Chúng ta có thể nâng cao nhận thức cộng đồng bằng những ví dụ điển hình như công nghệ chúng ta đã vận hành an toàn hàng chục năm nay, cùng với đó là tiến bộ khoa học ngày càng nhanh. Chúng tôi xây dựng xung quanh nhà máy ĐHN hạ tầng đầy đủ cho cuộc sống như trường học, bệnh viện. Cuộc sống của ngư dân xung quanh nhà máy ĐHN vẫn diễn ra bình thường, họ đánh bắt, ăn cá và qua kiểm tra không bị nhiễm xạ. Tôi thấy rằng, giành được sự chấp thuận của người dân tại khu vực xây dựng nhà máy là tiền đề cho tất cả thành công sau này.

- Theo tôi biết, tại quốc gia láng giềng của các ông là Bangladesh, 80% người dân ủng hộ xây dựng nhà máy ĐHN nói chung, tuy nhiên lại không chấp thuận địa điểm xây dựng. Điều quan trọng không phải là việc đồng thuận của người dân nói chung về xây dựng nhà máy ĐHN mà là việc người dân trong khu vực xây dựng nhà máy có chấp thuận hay không. Vậy nếu trong trường hợp đó thì sẽ có những giải pháp nào?

- Chúng tôi nhận thấy những yếu tố xung quanh nhà máy ĐHN là điều quan trọng đầu tiên cần phải tập trung chú ý. Những ý kiến của người dân xung quanh so với tổng thể chấp nhận chung của công chúng vẫn còn là con số nhỏ, tuy nhiên họ lại là những người quan trọng nhất. Rất nhiều người dân ở khu vực xây dựng nhà máy ĐHN, ví dụ như ở Ấn Độ đều nhận được chính sách tái định cư tuy nhiên cũng có trường hợp người dân không muốn di chuyển. Trường hợp này cũng không gây nhiều vấn đề nghiêm trọng vì nhà máy được xây dựng trong điều kiện hành lang an toàn. Nếu người dân không muốn di chuyển thì cũng không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chúng tôi cũng chia khu vực từ 1,5km đến 8km và đến 28km là vùng đệm tiếp theo. Mỗi vùng chúng tôi lại có các chính sách hỗ trợ khác nhau, về tài chính, sinh kế, phát triển... Nếu chúng ta không hỗ trợ trực tiếp cho những người ở đó mà chỉ khảo sát chung và lập luận rằng cả nước đều đồng thuận nên người dân khu vực bắt buộc phải đồng ý thì tôi thấy là một nhận thức sai lầm.

Theo tôi thấy, đây là vấn đề tất yếu gặp phải, không riêng trong lĩnh vực hạt nhân. Tôi cũng nhấn mạnh những rủi ro, khúc mắc này phải được giải quyết triệt để, đặc biệt là đối với những nước lần đầu tiên xây dựng nhà máy ĐHN. Với các nước đã có nhà máy ĐHN, việc xây dựng nhà máy thứ 2, thứ 3 vấn đề sẽ không còn nan giải nữa. Thông qua điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông. Ví dụ như ở Ấn Độ, ngư dân đã được đưa đến Trung Quốc và các nước khác để quan sát, tìm hiểu kinh nghiệm về các cơ sở hạt nhân. Ý tôi muốn nói khi người dân có thắc mắc, việc đưa họ đến địa điểm có các nhà máy được vận hành an toàn, thuận lợi có thể giải đáp được thắc mắc cho họ.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông, các hoạt động về giáo dục, đánh giá về tác động môi trường, các phòng nghiên cứu cũng rất hữu ích cho việc tăng niềm tin của người dân đối với ĐHN. Khoa học cũng đã chứng minh rằng năng lượng hạt nhân là năng lượng xanh, an toàn với môi trường. Ví dụ như Phần Lan là một quốc gia cực kỳ thân thiện với môi trường đã quyết định xây dựng nhà máy ĐHN.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Chi