Nước mắt Bình Châu…

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:25, 03/12/2015

(HNM) - Ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết khi đang đánh cá trên vùng biển Trường Sa, vùng quê nghèo thôn An Hải, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chìm trong bàng hoàng, thương xót. Nước mắt bao người, kể cả không họ hàng, thân thích với ngư dân Bảy đã rơi nơi bến cá Bình Châu…

Phận người đi biển

Chiều 2-12, thay vì thong thả vác cuốc ra đồng, quảy gánh ra bến cá thì cả làng chài An Hải, xã Bình Châu, lại tụ về gia đình ngư dân Trương Đình Bảy để tiễn đưa người ngư dân vắn số. Trong nhà, ngoài ngõ, tiếng khóc rưng rức của người thân, hàng xóm thương xót anh Bảy kéo dài không ngớt.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi trao tiền hỗ trợ cho gia đình ngư dân Trương Đình Bảy.


Từ chiều 28-11, khi nghe tin dữ gọi về từ I-com, chị Long - vợ ngư dân Trương Đình Bảy ngất lịm, nằm li bì, phải tiêm thuốc, truyền nước. Thỉnh thoảng chị Long mở đôi mắt trũng sâu, vô hồn nhìn về phía biển gọi tên chồng. Tôi ngồi cạnh chị có đến cả giờ đồng hồ, chờ chị uống chút nước cháo cho khỏe rồi hỏi thăm mấy câu. Chị cố sức nói vỏn vẹn với tôi: "Vì sao họ lại bắn chết chồng tôi chứ?"…

Con trai đầu của anh Trương Đình Bảy là Trương Đình Huynh (1992) ngồi sõng soài ngoài hiên. Huynh không khóc nổi trước sự ra đi quá đỗi đột ngột của cha. Huynh cầm di ảnh cha, nghẹn ngào kể lại: Ba em đi khơi mới được 6 ngày thì bị bắn chết. Trước khi bị bắn 2 hôm, ba còn gọi I-com về dặn dò em ở nhà cố gắng mua thêm ít gạo, mắm để phòng mưa gió kéo dài không đủ gạo ăn. Dặn em lo cho mẹ và nhắc nhở em út học hành. Sau đó vài ngày, ba đã không còn nữa. Ba ở hiền mà sao gặp oan nghiệt thế ba ơi…

Bà con lối xóm đến thăm, gia đình ngư dân Trương Đình Bảy đông nghẹt. Căn nhà cấp bốn chật chội, không đủ chỗ ngồi cho dòng người đến viếng. Mắt ai cũng rưng rưng, thảng thốt, bàng hoàng. Ngư dân Bùi Tấn Sĩ, 39 tuổi, hàng xóm của gia đình ngư dân Trương Đình Bảy kể với chúng tôi, anh Bảy ốm yếu nên đi khơi được chủ tàu giao cho nhiệm vụ nấu cơm và giữ tàu cho các ngư dân khác đi lặn. Công việc nhẹ nhàng hơn nên thu nhập vì thế cũng chỉ bằng một nửa lao động trên tàu. Kết thúc mỗi phiên biển, anh Sĩ thường sang nhà anh Bảy thăm chơi, trò chuyện. Phiên biển này là phiên thứ 7 trong năm của anh Bảy. Lẽ ra mọi năm, tháng 10 tàu nằm bờ tránh bão, nhưng năm nay anh Bảy cố đi thêm chuyến nữa để kiếm tiền về trả nợ vay làm nhà mấy năm rồi. Thế mà ai ngờ được… Mỗi phiên biển đi một tháng ròng rã, anh Bảy được trả công khoảng 3 - 5 triệu đồng. "Thu nhập ít nhưng ở xứ biển, đàn ông không theo tàu đi biển thì chẳng biết làm gì để sống. Cứ tưởng anh Bảy ốm yếu chấp nhận nấu cơm, giữ tàu là nhàn nhã hơn thợ lặn, thế mà rủi ro cũng chẳng chừa! Nghề biển hiểm nguy đến từ mọi phía không biết đâu mà lường" - ngư dân Bùi Văn Sĩ chia sẻ.

Ngư dân Trương Đình Bảy đi biển đã được vài chục năm. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo giàu truyền thống cách mạng. Mẹ anh là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cho (đã mất). Gia đình anh Bảy có tất cả 6 người con, trong đó có 2 liệt sĩ, 1 anh trai bị bệnh nan y vừa mới mất được 40 ngày. Giờ đến lượt anh Bảy… Chị ruột và anh trai của anh Bảy là bà Trương Thị Vân và ông Trương Đình Vàng người gày đét, mắt trũng sâu thẫn thờ đi ra đi vào. Thỉnh thoảng họ lại đến bên bàn thờ mẹ mình đốt nhang cầu khẩn. Bà Trương Thị Vân vật vã trong đau đớn khóc than: "Thương thằng Bảy quá!".

Ở làng chài An Hải, xã Bình Châu, dường như gia đình nào cũng nghèo khó. Những người đàn ông sinh ra là để đi biển. Phụ nữ ở nhà chăm con, họa hoằn mới có người tìm được việc làm với thu nhập ít ỏi ở trên bờ. Chị Mai Thị Long - vợ ngư dân Trương Đình Bảy nằm trong số ít phụ nữ biết… bươn chải, kiếm thêm thu nhập từ việc xay cá thuê ở chợ Bình Châu. Nhưng do đau ốm liên miên, tiền làm ra chỉ đủ cho chị mua thuốc uống. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Làm ngôi nhà nhỏ nhiều năm rồi mà nợ vẫn còn tới 150 triệu đồng. Việc trả nợ chỉ trông vào những chuyến anh Trương Đình Bảy đi biển.

Cả ngày cùng những người dân làng chài trong ngôi nhà nhỏ của ngư dân Trương Đình Bảy, chúng tôi nghe được câu chuyện đầy thương cảm về hoàn cảnh của gia đình. Trong nhà lúc ấy chỉ còn mấy chục ngàn bạc lẻ. Huynh đã điện cho cậu ruột ở huyện Sơn Tịnh - cách nhà khoảng 25km báo tin và xin cậu cho mượn ít tiền để lo hậu sự cho cha. Rồi Huynh bàn với bác ruột là Trương Đình Vàng hỏi mượn thêm người dân trong xóm một ít nữa…

Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi

Dân làng chài, chính quyền địa phương, đại diện huyện, tỉnh mấy ngày nay có mặt để giúp đỡ gia đình ngư dân Bảy lo hậu sự cho anh. Ngư dân thương xót anh Bảy và lo lắng cho chính cuộc mưu sinh của mình những ngày tới. Ngư dân Bùi Đình Bá, người cùng xóm, có lúc cùng hải trình đánh bắt cá ở Trường Sa với ngư dân Trương Đình Bảy chia sẻ: "Rủi ro nghề biển giờ chẳng biết đâu mà lần. Sóng gió, bão giông ngư dân phải chấp nhận đã đành, nay lại còn thêm súng đạn đe dọa tước đoạt mạng sống. Thấy bạn chài bị bắn chết mà nghĩ lo cho chính bản thân mình ở ngày mai trên biển mưu sinh".

Theo chủ tàu cá QNg 95861 TS Bùi Văn Cu mà ngư dân Trương Đình Bảy làm thuê, khoảng 18h15 ngày 26-11, có hai chiếc ghe áp sát tàu của ông. Lúc này, 12 thuyền viên đã dùng ghe nhỏ đi lặn bắt hải sản, trên tàu chỉ còn lại ông Cu và ông Bảy. Nhóm tấn công có 4 người, đi trên tàu dân sự, chúng nổ súng nhằm khống chế cướp tài sản. Sau khi chủ tàu lao vào giật súng vứt xuống biển, nhóm người nói trên chạy lên ghe bỏ chạy. Các ngư dân nhặt được 4 vỏ đạn trên tàu. Ông Cu khẳng định, lúc xảy ra vụ việc, tàu ông đang neo đậu trên vùng biển Việt Nam. Công an tỉnh Quảng Ngãi khám nghiệm tử thi để điều tra. Về vị trí con tàu lúc xảy ra vụ việc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ đối chiếu với máy đo định vị để xác định tọa độ.

Ngày 1-12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin tàu cá QNg 95861 TS của tỉnh Quảng Ngãi bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa khiến một thuyền viên Việt Nam bị thiệt mạng, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Việt Nam; đồng thời chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven Biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này. Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam".

Những năm qua, ngư dân Quảng Ngãi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía các lực lượng chức năng khi hành nghề đánh bắt hải sản trên biển. Tuy nhiên, mỗi chuyến hải trình của ngư dân vẫn đầy những rủi ro từ thiên tai. Ông Phùng Bá Vương - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mong mỏi: "Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ vụ việc để ngư dân Trương Đình Bảy an lòng nhắm mắt. Cũng là để ngư dân Bình Châu nói riêng, ngư dân Quảng Ngãi an tâm bám biển mưu sinh, vừa làm kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Thanh Nhị