Triển khai Đề án 343 ở Hà Nội: Còn lúng túng, chưa hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 03/12/2015
Đề án 343 đề ra mục tiêu: Trên 70% phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ công chức, viên chức, công nhân được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; trên 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, phóng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ngành được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền lĩnh vực này. Tại Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Đề án mới đi sâu triển khai ở Tiểu đề án 01 "Tuyên truyền, giáo dục phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước trong cán bộ, hội viên phụ nữ" do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố chủ trì.
Ảnh: Bảo Lâm |
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lê Kim Anh, tính đến 31-5-2015, mới có 10/30 quận, huyện, thị xã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch 5 năm thực hiện Đề án. Các đơn vị còn lại tùy vào điều kiện thực tế chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, điểm nhấn của Đề án mới dừng lại ở các mô hình chỉ đạo điểm cấp thành phố. Đó là phường Hàng Đào (Hoàn Kiếm) xây dựng mô hình tuyên truyền trong phụ nữ kinh doanh khu vực phố cổ; phường Ngọc Khánh (Ba Đình) với mô hình tuyên truyền trong hội viên nữ công nhân viên chức; phường Mộ Lao (Hà Đông) và phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) với mô hình tuyên truyền phụ nữ trên địa bàn đang đô thị hóa; xã Quang Minh (Mê Linh) với mô hình tuyên truyền nữ nông dân trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xã Minh Quang (Ba Vì) với mô hình tuyên truyền phù hợp với đặc thù phụ nữ dân tộc ít người.
Nguyên nhân của việc triển khai Đề án chưa sâu được Hội LHPN TP Hà Nội chỉ rõ là do việc triển khai kế hoạch thực hiện các tiểu đề án của các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã còn thiếu đồng bộ và lúng túng trong các bước tiến hành. Các hoạt động thời gian qua mới chủ yếu tập trung vào tập huấn, truyền thông... Dù 30/30 quận, huyện, thị xã đã đăng ký có 39 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình điểm của cấp mình, song việc xác định, lựa chọn nội dung hoạt động còn lúng túng, chưa sát với địa phương, đối tượng. Đặc biệt, tài liệu truyền thông còn thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu đông đảo của các đối tượng phụ nữ.
Tại hội nghị của cơ quan Thường trực Đề án là Hội LHPN thành phố, nhiều cán bộ hội phụ nữ cho rằng, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí; một số nơi việc đánh giá tiêu chí phẩm chất đạo đức còn chung chung. Trong khi đó, một số lãnh đạo quận, huyện cho rằng, việc triển khai Đề án là của Hội Phụ nữ nên chưa quan tâm, chỉ đạo. Vì thế, hầu hết đơn vị thực hiện cấp kinh phí theo kỳ cuộc do Hội LHPN đề xuất, rất ít đơn vị chủ động bố trí kinh phí hoạt động cả năm (mới có quận Hà Đông và huyện Thạch Thất thực hiện bố trí kinh phí cả năm).
Để nâng cao chất lượng các hoạt động của Đề án, đại diện UBND huyện Mê Linh, Hội LHPN quận Hà Đông, UBND xã Kim Chung (Đông Anh) đều kiến nghị với Ban điều hành Đề án cấp trung ương, cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo các bộ, ngành, đoàn thể trung ương vào cuộc đồng bộ. Trong đó, Hội LHPN các cấp cần tham mưu, đề xuất có hiệu quả về cơ chế phối hợp, huy động nguồn lực để triển khai Đề án một cách sâu rộng, sát thực, đúng đối tượng. Đặc biệt, Hội LHPN các cấp cần phối hợp với Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân trong tổ chức tập huấn cộng tác viên, tuyên truyền viên; hướng dẫn, động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực rèn luyện phẩm chất: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" lồng ghép với phong trào thi đua, các cuộc vận động… đang triển khai thực hiện.