Phải rõ trách nhiệm!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 03/12/2015
Một thông tin khác, Việt Nam đã cho nhập khẩu tới 68 tấn Albuterol, trong khi lượng thuốc sử dụng cho người rất ít. Tương tự là kháng sinh, cũng có tình trạng các công ty dược, công ty thú y tuồn ra ngoài để người nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản) trộn vào thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng bệnh và kích thích tăng trưởng… Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo ngại dư lượng những chất này có thể gây ra nhiều hệ lụy (Salbutamol nếu tồn dư trong thịt sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người. Kháng sinh tồn dư trong thực phẩm làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc điều trị cho người…).
Tuy nhiên, theo các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Y tế, việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật nên không có chuyện tuồn thuốc ra ngoài. Kể từ đầu năm cơ quan chức năng của ngành Y tế chỉ cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol (căn cứ trên nhu cầu thực tế) chỉ những công ty có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập… Nguồn Salbutamol được người chăn nuôi trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, tạo nạc có thể từ các con đường nhập lậu… Cũng có ý kiến, kháng sinh sử dụng cho con người có giá cao nên người chăn nuôi sẽ sử dụng kháng sinh trong thú y. Và như vậy trách nhiệm quản lý không thuộc ngành Y tế...
Cũng có một thực tế khác, ngoài nguyên liệu hóa chất Salbutamol nguyên bản được nhập khẩu, còn loại hàng hóa khác - "thuốc tân dược" có chứa Salbutamol cũng được đóng gói nhập vào Việt Nam. Theo một thống kê, con số này vào khoảng 1,9 triệu bao, trị giá lên tới 9,8 triệu USD… Như vậy, có nghĩa là sẽ có những sản phẩm thuốc đã hoặc chưa pha trộn được đóng gói bán lẻ trên thị trường.
Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là phải xử lý các đầu nậu mua bán chất cấm như đối với tội phạm buôn bán ma túy vì sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng là tội ác... Điều này đúng bởi các loại chất cấm nêu trên là một trong những nguyên nhân gây căn bệnh ung thư và nó đang từ từ hủy hoại nòi giống Việt Nam. Thế nhưng nếu chỉ xử lý đầu nậu mà không làm rõ trách nhiệm quản lý, không siết chặt việc quản lý các loại chất cấm trong chăn nuôi thì cũng chỉ là… "cắt ngọn" mà thôi.
Một khi "quả bóng" trách nhiệm vẫn lăn thì vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tồn tại. Nếu không rõ trách nhiệm, không có giải pháp mạnh, người tiêu dùng vẫn phải sống chung với thực phẩm "bẩn". Và "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa" vẫn là nỗi sợ hãi của người dân.