Không thể thiếu sự tương tác với công chúng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 02/12/2015

(HNM) - Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bảo tàng (BT) là một trong những điểm đến đầu tiên của du khách trong hành trình du lịch. Còn ở Việt Nam, số BT được


Tại một số cuộc hội thảo về BT gần đây, giới nghiên cứu chỉ rõ rằng, hiện nay, việc khai thác, phát huy giá trị của hệ thống BT ở Việt Nam chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng là do một số BT chậm đổi mới cách thức quản lý, trưng bày và ứng dụng công nghệ mới, sự tương tác với công chúng còn hạn chế…



Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của hệ thống BT ở Việt Nam trong những năm vừa qua. Một số BT như: Dân tộc học Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Chứng tích chiến tranh… liên tục lọt vào top điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khu vực. Thế nhưng, thực tế cho thấy, đa số công chúng tiếp nhận tri thức và thông tin từ BT một cách thụ động, chủ yếu là nghe đội ngũ thuyết minh viên giới thiệu về tư liệu, hiện vật với những thông tin đã được "lập trình" sẵn. Theo giới nghiên cứu, trong bối cảnh xã hội, khoa học công nghệ có sự phát triển không ngừng việc phải tiếp nhận thông tin mang tính đơn điệu từ BT sẽ khiến công chúng và chính những người làm BT thui chột sự sáng tạo; vai trò tuyên truyền, giáo dục, định hướng của BT khó được thực hiện một cách hiệu quả. Nói cách khác, công chúng sẽ không còn hứng thú đến với BT và thực tế cho thấy điều đó có thể đẩy BT rơi vào tình trạng "chết lâm sàng".

Ông Christina Haak, Phó Giám đốc các BT quốc gia tại Berlin (Đức) cho biết: Điểm hấp dẫn của các BT quốc gia tại Berlin chính là nét cổ kính vì đa số BT là những công trình kiến trúc cổ với niên đại trên 100 năm, bên trong có rất nhiều tư liệu, hiện vật quý giá, song không vì thế mà các BT có thể bình chân "gặm nhấm" quá khứ. Thay vào đó, các BT thường xuyên có sự thay đổi cả về hình thức và nội dung cho phù hợp với cuộc sống đương đại. Ngoài những bộ sưu tập quý giá bên trong không gian cổ kính, khách đến BT Island có thể vào thư viện đọc sách, vào phòng hòa nhạc để giải trí; khách đến BT Bode có thể đi dạo trên con đường được cho là đẹp nhất Berlin - nằm phía ngoài BT… "Hơn 40% khách đến với hệ thống BT quốc gia Berlin là người nước ngoài, vừa mang lại nguồn thu không nhỏ cho thành phố Berlin vừa góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đô thị cũng như con người Berlin đến với bạn bè quốc tế", ông Christina Haak khẳng định. Theo ông Christina Haak, việc quy hoạch phát triển hệ thống BT ở Việt Nam không thể tách rời quy hoạch đô thị.

Ở góc độ khác, bà Haryany Mohamad, Giám đốc BT Quốc gia Penang State (Malaysia) gợi ý, trong điều kiện không gian trưng bày có nhiều hạn chế, hệ thống BT ở Việt Nam nên từng bước số hóa hiện vật, đồng thời ứng dụng công nghệ tra cứu trên từng hiện vật. Hiện tại, BT Lịch sử quốc gia đã thực hiện số hóa 14 bảo vật quốc gia, giúp công chúng có thể tra cứu thông tin về hiện vật nhanh chóng, dễ dàng. Qua đó, có thể thấy, việc số hóa hiện vật trong các BT ở Việt Nam cần được coi là xu hướng phát triển tất yếu.

Ngoài việc ứng dụng công nghệ hiện đại, một số BT trên thế giới và Việt Nam hoạt động theo phương thức tạo điều kiện cho cộng đồng làm chủ thể sáng tạo, mô hình này đã có thành công nhất định. "Dù chỉ là BT thuộc trường đại học, Gallerry Ateneo Art của Philippines vẫn thu hút hàng vạn du khách trong nước, quốc tế nhờ các chương trình kết nối BT với trường học và cộng đồng. Đó là việc tổ chức giải thưởng nghệ thuật Ateneo để tôn vinh người trưng bày tốt nhất trong năm, là việc tổ chức các chương trình hội thảo, giáo dục, tour tham quan chuyên đề…" - bà Victoria Herrera, Giám đốc Gallerry Ateneo Art cho biết.

Ở Việt Nam, BT Dân tộc học dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng vẫn là cái tên được "săn lùng" nhiều nhất, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, chủ yếu là nhờ công chúng đến đây được tạo điều kiện thuận lợi để trải nghiệm và tham gia sáng tạo văn hóa. Thay vì nghe những lời thuyết minh một chiều khô cứng, khách đến BT Dân tộc học Việt Nam có thể hòa mình trong các không gian văn hóa, vừa xem hiện vật, nghe thuyết minh vừa trực tiếp tham gia vào các hoạt động, tự cảm nhận và tiếp nhận thông tin theo cách riêng của mỗi người. Tương tự, BT Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) từng là điểm đến thú vị nhờ cách "kể chuyện" vô cùng gần gũi, chân thực, sống động. Từ khi BT Không gian văn hóa Mường bị hỏa hoạn thiêu rụi, những người yêu văn hóa chưa lúc nào ngừng tìm cách hiện thực hóa giấc mơ hồi sinh BT này, điều đó cho thấy vị trí của BT trong lòng công chúng quan trọng như thế nào.

Nhằm mục tiêu tiếp cận công chúng tốt hơn, BT Hà Nội thử nghiệm đưa nhịp sống Hà Nội vào khu trưng bày ngoài trời. "Giữa không gian mô phỏng, tái hiện làng nghề, phố nghề của Hà Nội xưa và nay, của vùng văn hóa Xứ Đoài, khách tham quan được chính những người thợ lành nghề hướng dẫn làm gốm Bát Tràng, tạc tượng Sơn Đồng. Sự trải nghiệm đó rất có ý nghĩa, nhất là với học sinh, sinh viên, người nước ngoài", anh Nguyễn Tuấn Anh, hướng dẫn viên Công ty du lịch Đất Việt đánh giá.

Với BT, những dẫn chứng cụ thể nói trên cho thấy giờ đã qua thời "có gì trưng nấy". Trong xã hội đương đại, muốn trở nên hấp dẫn thì hệ thống BT tất yếu phải hòa vào nhịp sống hiện đại, coi công chúng là trung tâm của mọi hoạt động đồng thời thực hiện tốt vai trò định hướng, dẫn dắt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng.

Hà Hiền