Đến lúc quy hoạch lại cơ sở đào tạo sư phạm
Giáo dục - Ngày đăng : 06:40, 02/12/2015
Đua nhau mở ngành sư phạm
Hiện nay, cả nước có tới 144 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; gồm: 14 trường đại học sư phạm (ĐHSP), 49 trường đại học có khoa, ngành sư phạm, hơn 40 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), 24 trường cao đẳng có khoa, ngành sư phạm; 3 trường trung cấp sư phạm (TCSP) và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Hiện nay, có thêm 11 trường ĐH được đào tạo mã ngành sư phạm. Đặc biệt, một số trường CĐSP đã nâng cấp thành trường ĐH đa ngành, chuyển thành trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường CĐ đa ngành.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh cho rằng, số lượng trên là quá nhiều, dẫn đến tình trạng thừa lao động trong ngành Giáo dục, nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường không có việc làm. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, cần phải quy hoạch lại các trường, các cơ sở đào tạo giáo viên trên phạm vi toàn quốc. Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án quy hoạch các trường, cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước. Chúng tôi rất mong chờ đề án được phê duyệt vì nó có thể góp một phần vào việc giảm tỷ lệ không có việc làm trong lĩnh vực giáo dục.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế nhìn nhận: Dư thừa giáo viên quá nhiều như hiện nay bắt nguồn từ việc đào tạo thiếu kiểm soát. Nhiều địa phương đã nâng cấp các trường CĐ lên ĐH và những trường này đều có đào tạo các ngành sư phạm. "Cứ cho hằng năm mỗi tỉnh, thành phố tuyển 200 - 300 giáo viên thì 63 tỉnh, thành phố tuyển được khoảng hơn 18.000 người. Vậy số sinh viên sư phạm ra trường dư thừa, không được tuyển dụng lên đến hàng nghìn người. Nhà nước bỏ tiền ra đào tạo nhưng không được sử dụng, sinh viên đi học bằng tiền của gia đình cũng không được làm việc đã lãng phí chất xám và lãng phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm" - ông Thám phân tích.
Thừa - thiếu giáo viên bắt nguồn từ... chỉ tiêu
Theo các chuyên gia giáo dục, yếu tố tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu do các địa phương cho phép các trường ĐH trực thuộc tỉnh đề xuất đã dẫn đến nguồn cung vượt cầu. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải giao chỉ tiêu đào tạo dựa trên nhiều thông số, trong đó chất lượng đào tạo cần được đặt lên hàng đầu. "Theo tôi, Bộ GD-ĐT phải là nơi quyết định giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo thì mới có thể kiểm soát được tình trạng thừa thiếu" - ông Hồng phân tích.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng cho biết thêm, về số lượng sinh viên sư phạm tuyển sinh hằng năm cần phải cân đối giữa cung - cầu. Các địa phương cần tính toán và dự báo số lớp mở thêm, số giáo viên đến tuổi về hưu để từ đó xác định được số lượng nguồn giáo viên phải bổ sung hằng năm. Điều này phải có chiến lược dài hạn, không phải lúc nào có cầu cũng sẵn sàng có cung, vì ở trình độ ĐH, tuyển sinh năm nay thì 4 năm sau mới có sinh viên ra trường.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế cho rằng, để giải quyết khâu cơ bản này, trước hết phải quy hoạch lại hệ thống các trường đào tạo giáo viên. Thứ hai là, các sở GD-ĐT địa phương phải khảo sát lại và báo cáo về Bộ GD-ĐT số lượng giáo viên hiện thiếu, thừa môn nào, sắp đến tuổi nghỉ hưu là bao nhiêu, ai đủ chuẩn, ai không đủ chuẩn? Trên cơ sở kết quả đó, Bộ xác định chỉ tiêu cho từng trường ĐH.
Bên cạnh đó, hiện nay có hiện tượng thừa, thiếu cục bộ giáo viên giữa vùng đồng bằng, đô thị và vùng sâu, vùng xa. Phần lớn sinh viên ra trường đều lựa chọn các thành phố lớn, vùng đồng bằng thị xã, thị trấn để tìm kiếm việc làm; trong khi một số địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đủ giáo viên ở các bộ môn. Theo phân tích của một chuyên gia giáo dục tại TP Hồ Chí Minh, "đất lành chim đậu" nên không thể trách sự lựa chọn đó, khi chưa có những "ràng buộc" sinh viên sư phạm (được hưởng chính sách miễn học phí hiện nay) phải lao động trong khoảng thời gian tối thiểu ở các cơ sở giáo dục.
Theo dự thảo đề án "Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến 2020" của Bộ GD-ĐT, đến năm 2015, ít nhất 25% và đến năm 2020, 50% giảng viên các trường ĐHSP đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015, 50% giảng viên trường CĐSP đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ. Đến năm 2020, giáo viên mầm non, tiểu học phải có trình độ CĐ trở lên, giáo viên trung học có trình độ ĐH, trong đó ít nhất 30% có trình độ thạc sĩ trở lên. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường ĐH, CĐSP không quá 20 sinh viên/1 giảng viên vào năm 2020. |