Nga trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ: Kết thúc “kỷ nguyên vàng”?
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 02/12/2015
Quyết định trừng phạt của Tổng thống V.Putin có hiệu lực ngay lập tức. Phạm vi của các biện pháp trừng phạt bao gồm việc cấm thuê máy bay từ Nga đi Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng bán tour đi Thổ Nhĩ Kỳ trong các dịp nghỉ lễ, kiềm chế hoặc tạm dừng các hoạt động kinh doanh của công dân hoặc các công ty Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga.
Thị trường Nga tiêu thụ nhiều sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ. |
Một "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XXI với những hợp tác kinh tế quy mô, trong đó có đường ống dẫn dầu dưới biển được xây dựng năm 2003. Đến năm 2014, Nga trở thành đối tác xuất khẩu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Du lịch cũng là lĩnh vực gắn kết hai nước khi du khách Nga chiếm số lượng lớn nhất trong thị phần du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2013 đến nay. Ngoài ra, hai nước cũng có nhiều dự án đáng chú ý khác như kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ của Rosatom, với trị giá lên tới 20 tỷ USD, cũng như đàm phán xây dựng đường ống dẫn dầu mới để đưa dầu của Nga tới Châu Âu mà không cần đi qua Ukraine. Thế nhưng, thời kỳ vàng son này dường như đã không còn khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria với mục đích bảo vệ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ bằng mọi giá. Và sự kiện máy bay Su-24 bị bắn hạ có lẽ chỉ như "một giọt nước tràn ly".
Chắc chắn nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lao đao vì hứng chịu các đòn trừng phạt của Nga, đặc biệt khi các chỉ số kinh tế của nước này đều đang giảm sút nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạt 3,1% năm nay và 3,6% năm 2016, thua xa mức 9% của năm 2010 và 2011. Trong năm nay, đồng lira sụt giá 20% so với đồng USD, khiến Ankara gặp khó khăn hơn trong việc trả món nợ nước ngoài 125 tỷ USD. Sự thiếu hụt những khoản tài chính có được từ làm ăn với Nga do các lệnh trừng phạt sẽ khiến tình hình thêm u ám. Tuy nhiên, ở thời điểm này, sức khỏe của nền kinh tế Nga cũng không được ổn định. Trên thực tế, Nga đã mất đi sức mạnh đáng kể sau khi bị Mỹ và phương Tây cô lập năm 2014 (liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine). Nga cũng không có nhiều đối tác kinh doanh trên trường quốc tế do những căng thẳng này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít đối tác của Nga bởi nước này chưa là thành viên của Liên minh Châu Âu nên không bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt kinh tế mà Lục địa già áp dụng đối với Nga. Trong năm 2014, theo số liệu thống kê ngoại thương của Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị xuất khẩu sang Nga đạt 5,9 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu từ Nga lên tới 25,2 tỷ USD. Ngoài ra, Ankara còn có kế hoạch đẩy mạnh thương mại với Mátxcơva, hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD giá trị thương mại vào năm 2020. Trong bối cảnh bị bao vây kinh tế, Nga đang "khát" ngoại tệ. Với việc nhập tới 2/3 khí đốt từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã đem lại cho Mátxcơva khoản ngoại tệ không nhỏ. Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ khiến hàng hóa nhập ngoại tại Nga khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Tuy phải chịu không ít tác động sau cú "ra đòn" để đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng xét trên nhiều phương diện, Điện Kremlin không có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. Chưa thể dự đoán gì nhiều về những căng thẳng hiện nay sẽ đi xa đến đâu nhưng chắc chắn đã đánh dấu bước thụt lùi trong quan hệ giữa hai đối tác thân cận này.