Lắng nghe ý kiến nhân dân về cách dạy môn lịch sử
Giáo dục - Ngày đăng : 18:03, 01/12/2015
Vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm là môn lịch sử có còn là môn học độc lập, bắt buộc hay sẽ tích hợp với những môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều không đồng tình việc tích hợp môn lịch sử với những môn học khác. Bởi lẽ, làm như vậy sẽ khiến môn lịch sử bị coi nhẹ, khó giáo dục cho người học luôn có tinh thần tự hào dân tộc, thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, tại ngày làm việc cuối cùng vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. Ban soạn thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân, sẽ làm việc với các chuyên gia và các nhà khoa học để có phương án cuối cùng là truyền đạt tới học sinh môn lịch sử bằng hình thức nào cho phù hợp.
Vấn đề này cũng sẽ được Chính phủ và các cơ quan liên quan cho ý kiến trên cơ sở đánh giá toàn diện. Trao đổi với phóng viên Hànộimới cùng ngày về việc nên dạy lịch sử thế nào, ông Đào Trọng Thi khẳng định, hiện đang có sự hiểu lầm giữa một bộ phận dư luận xã hội và chủ ý của Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới về “số phận môn lịch sử” . Sự hiểu nhầm này có thể do cách trình bày, cách viết, giải thích của Ban soạn thảo chưa rõ ràng. Theo quan điểm của ông Thi, thực tế cho thấy dạy tích hợp với các hình thức sinh động là phù hợp với triết lý giáo dục hiện đại và xu hướng chung của thế giới, không phải là xoá sổ môn lịch sử. Song chỉ nên dạy tích hợp khi có đội ngũ giáo viên đủ năng lực, đáp ứng chương trình mới này.