Chấp thuận ủy quyền cho Thường trực HĐND TP Hà Nội quyết một số dự án đầu tư công
Chính trị - Ngày đăng : 17:20, 01/12/2015
Với 73/79 đại biểu tán thành, Nghị quyết quyết nghị, tiêu chí dự án trọng điểm nhóm C của Thành phố Hà Nội như sau:
Ở cấp Thành phố, dự án trọng điểm nhóm C là dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công Thành phố quản lý, gồm 6 nhóm sau:
Dự án có tổng mức đầu tư từ 85 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng thuộc lĩnh vực giao thông (bao gồm cầu, đường quốc lộ), xây dựng khu nhà ở;
Dự án có tổng mức đầu tư từ 56 tỷ đồng đến dưới 80 tỷ đồng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước và công trình hạ tầng kỹ thuật, kỹ thuật điện, bưu chính, viễn thông;
Dự án có tổng mức đầu tư từ 42 tỷ đồng đến dưới 60 tỷ đồng thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới; công nghiệp;
Dự án có tổng mức đầu tư từ 32 tỷ đồng đến 45 tỷ đồng thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục; nghiên cứu khoa học, tin học, phát thanh, truyền hình; kho tàng; du lịch, thể dục thể thao; xây dựng dân dụng;
Dự án có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng thuộc lĩnh vực môi trường: khu chôn lấp, bãi, nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng;
Dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ quốc phòng, an ninh (trừ những dự án có tính chất bảo mật quốc gia thuộc dự án nhóm A) thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của Thành phố.
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư trình bày tờ trình |
Với cấp huyện, dự án trọng điểm nhóm C là dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công do quận, huyện, thị xã quản lý, gồm các nhóm sau:
Dự án có tổng mức đầu tư từ 60 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng thuộc lĩnh vực giao thông (gồm cầu, đường quốc lộ), xây dựng khu nhà ở;
Dự án có tổng mức đầu tư từ 40 tỷ đồng đến dưới 80 tỷ đồng thuộc lĩnh vực giao thông (trừ các dự án giao thông quy định trong Điều 8 Luật Đầu tư công); thủy lợi, cấp thoát nước và công trình hạ tầng kỹ thuật;
Dự án có tổng mức đầu tư từ 23 tỷ đồng đến dưới 45 tỷ đồng thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục; tin học, phát thanh; kho tàng; thể dục thể thao; xây dựng dân dụng;
Dự án có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng thuộc lĩnh vực môi trường: khu chôn lấp, bãi, nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng;
Ở cấp xã, dự án trọng điểm nhóm C cấp xã là dự án nhóm C sử dụng nguồn vốn đầu tư công xã, phường, thị trấn quản lý không phân biệt loại hình, lĩnh vực đầu tư có quy mô tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng.
HĐND Thành phố ủy quyền cho Thường trực HĐND Thành phố xem xét, cho ý kiến và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công do UBND Thành phố quản lý theo quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất.
Tính pháp lý của việc ủy quyền có đảm bảo?
Trước khi thông qua nghị quyết trên, các đại biểu HĐND Thành phố đã có nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi cho dự thảo nghị quyết.
Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị UBND Thành phố làm rõ căn cứ pháp lý về việc ủy quyền cho Thường trực HĐND. Theo đại biểu, việc lấy ý kiến toàn thể HĐND là vì lợi ích chung, vì mỗi dự án đều có lợi ích chung và lợi ích riêng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, Thành phố đã có cuộc làm việc chuyên sâu về nội dung này. Việc ủy quyền cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định chủ trương một số dự án được giao hoàn toàn hợp lý vì đây là năm đầu tiên thực hiện quy định của Luật đầu tư công, Thành phố vướng một số điểm khó thực hiện: có ít nhất 158 dự án phải trình HĐND Thành phố quyết định và mỗi dự án đều phải đánh giá 11 nội dung, trong đó có 6 nội dung cứng. Nếu để HĐND Thành phố xem xét hết thì sẽ mất nhiều thời gian, không đẩy nhanh được tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, đề xuất này cũng dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn. Thực tế, Hà Nội đã ủy quyền một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND cho Thường trực HĐND. Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định tăng cường trách nhiệm, sự chủ động của địa phương trong phân cấp, ủy quyền. Mặt khác, các dự án tuy được ủy quyền cho Thường trực HĐND, nhưng HĐND Thành phố vẫn đảm bảo không mất quyền, HĐND Thành phố vẫn có quyền giám sát, kiểm tra. Thường trực HĐND Thành phố sẽ phải báo cáo việc phê chuẩn các dự án theo nội dung ủy quyền tại kỳ họp HĐND gần nhất và khi đó, HĐND Thành phố có quyền thể hiện ý kiến ủng hộ hoặc không.
Phó Thường trực HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt cũng nhấn mạnh, việc ủy quyền chỉ thực hiện trong năm nay, năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công. Còn năm sau, tùy điều kiện cụ thể, HĐND Thành phố sẽ có quyết định cụ thể.
Phó thường trực HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt giải trình thêm về góp ý của đại biểu cho dự thảo nghị quyết |
Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, việc giao Thường trực HĐND quyết một số dự án không thể ghi là đúng quy định pháp luật, vì theo Luật Đầu tư công, việc này phải do HĐND Thành phố quyết định. Thêm vào đó, Luật tổ chức chính quyền địa phương đến đầu năm sau mới có hiệu lực và trong quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Thường trực HĐND cũng không có nội dung ủy quyền.
"Ủy quyền là việc đã rồi. HĐND Thành phố có ý kiến, giám sát thì cũng là sau khi dự án đã được quyết", đại biểu Chu Sơn Hà lưu ý.
Làm rõ thêm, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Ngô Văn Quý cho biết, hiện Thành phố có 17 dự án nhóm A, 195 dự án nhóm B và C cần quyết định chủ trương đầu tư, mà với các tiêu chí phê duyệt dự án theo yêu cầu của Luật Đầu tư công thì cần phải ủy quyền mới có thể đảm bảo giải quyết. Vì vậy, việc để HĐND Thành phố ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án cho Thường trực HĐND, sau đó, Thường trực báo cáo lại HĐND tại kỳ họp gần nhất là phù hợp. Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh, khi quyết định chủ trương, kế hoạch đầu tư trung hạn, từng công trình được ủy quyền cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định đều sẽ được báo cáo tại kỳ họp HĐND tiếp theo. Nếu HĐND Thành phố thấy không phù hợp, HĐND Thành phố vẫn có quyền bác dự án.