Cuộc gặp gỡ văn hóa Đông - Tây
Văn hóa - Ngày đăng : 06:37, 01/12/2015
"Ông lão đánh cá và con cá vàng" - tên quen dùng ở Việt Nam, hay "Ông lão đánh cá và bà vợ" theo cách gọi thường thấy ở Đức, là truyện cổ tích được trẻ em khắp thế giới yêu thích. Đó là bài học giúp trẻ tránh xa thói tham lam, ảo tưởng và sự bội bạc.
Một cảnh trong vở diễn. |
Kịch bản sân khấu của Einar Schleef kể về ông lão đánh cá sống cùng vợ trong một túp lều đơn sơ nằm ở ven biển. Một ngày nọ, ông ra khơi và bắt được một con cá thờn bơn lớn. Con cá biết nói, cầu xin ông tha mạng. Ngạc nhiên, được thôi thúc bởi lòng nhân từ, ông đã thả cá về với biển và ra về với cái thuyền trống trơn. Bà vợ hay chuyện chồng mình thả con cá biết nói - thực chất là một hoàng tử bị yểm bùa, nên đã lồng lộn yêu cầu ông tìm con cá để đòi lấy một điều ước. Yêu cầu ấy được đáp ứng, bà vợ có một căn nhà khang trang. Nhưng rồi lòng tham nổi lên, hết lần này đến lần khác, bà bắt ông lão đánh cá đưa ra những yêu cầu mới, nào là trở thành hoàng hậu, nữ vương, rồi cuối cùng là ngôi bá chủ thiên hạ. Mỗi điều ước đưa ra là một lần cá vàng nổi giận; kết cục tồi tệ đã đến với bà vợ tham lam: mọi thứ trở lại như cũ…
Dominik Gunther là đạo diễn tự do có nhiều dự án hợp tác cùng với các nhà hát lớn của Đức. Đây là lần thứ hai ông dàn dựng kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ. Vở diễn đầu tiên - "Vòng phấn Kavkaz" - được thực hiện vào năm 2014, đã tạo tiền đề tốt đẹp cho sự hợp tác. Đến lần này, khi đã quen với các diễn viên Việt Nam, vở diễn được hoàn thành chỉ sau gần một tháng dàn dựng. Tuy nhiên, với một đạo diễn có nhiều kinh nghiệm như Dominik, dựng kịch thiếu nhi cũng có cái khó riêng, quan trọng nhất là từ một cốt truyện đơn giản, phải làm sao để vở diễn có nhiều tình tiết hấp dẫn, giúp trẻ không cảm thấy nhàm chán và ngay cả khán giả người lớn cũng có thể hào hứng trong suốt buổi diễn.
Vở diễn mang phong cách "khá Tây", sân khấu được thiết kế tối giản nhưng tiện lợi, 4 tấm phông ghép thành những cánh buồm đồng thời là màn hình chiếu video clip. Một bục gỗ ở giữa có bánh xe xoay tròn cho mỗi lần chuyển cảnh, xung quanh là các móc câu treo phần quà vật chất mà bà vợ đòi hỏi. Ông lão đánh cá có cái thuyền gỗ ngộ nghĩnh, chỉ cần quàng dây lên cổ là "ra khơi". Nghệ sĩ Quang Ánh vào vai này rất hợp, "cho ra" hình ảnh một người lao động cần cù, hiền lành nhưng đôi lúc giống như một gã khờ, rất dễ gây cười cho khán giả nhí. Vai bà vợ do Thanh Tú đảm nhiệm, đủ sắc sảo, ghê gớm, ra lời là tạo ngay ấn tượng đáng ghét. Cá thờn bơn có hai chiếc gậy, do hai diễn viên điều khiển - điều mà đạo diễn cho biết là ông lấy cảm hứng từ hình ảnh múa rồng trong lễ hội của Việt Nam. Sự di chuyển và các động tác uốn lượn gần gũi với trẻ em Việt Nam, tạo cảm giác thích thú.
Đặc biệt, trong phiên bản sân khấu này có thêm nhân vật tôm hùm, vừa là người dẫn chuyện vừa tham gia vào các cảnh gây cười, cũng là cầu nối để giúp trẻ em tương tác với nội dung kịch. Mỗi phần chuyển cảnh, thay vì khoảng lặng sân khấu, khán giả sẽ được theo dõi những đoạn video phỏng vấn trẻ em ở Dresden và Hà Nội về cuộc sống của các em, những điều em mơ ước và suy nghĩ về hạnh phúc…
Dự án hợp tác dàn dựng vở kịch "Ông lão đánh cá và con cá vàng" có ba phần. Vở diễn vừa qua là phiên bản tiếng Việt, có phối hợp với trẻ em Đức và ngôn ngữ Đức qua video clip như đã nhắc ở trên. Phần thứ hai là phiên bản tiếng Đức, dành cho diễn viên Đức. Phần đặc biệt là bản múa rối với sự tham gia của cả diễn viên Đức và Việt Nam, dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 4-2016.