Vì đâu nên nỗi?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 01/12/2015
Cụ thể, trên địa bàn thành phố đã giảm 89 điểm ùn tắc xuống còn 51 điểm; tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí; nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng được giải quyết cơ bản. Những nỗ lực, cố gắng đó cần được ghi nhận công sức của nhà quản lý và những người thực thi công vụ. Đặc biệt là thời gian vừa qua, công tác giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm còn có sự tham gia của công an, lực lượng tự quản của cơ sở cùng các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động thành phố.
Tuy nhiên, dễ dàng nhìn nhận, bên cạnh việc xây dựng cầu vượt, mở rộng các tuyến đường hướng tâm, xây dựng đường sắt trên cao, đường dành riêng cho xe buýt… thì một số giải pháp đang thực hiện vẫn chỉ là… tình thế. Và dù là như vậy, những giải pháp đó cũng tốn không ít tiền của. Lấy thí dụ như dự kiến tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông từ nay đến năm 2020 do UBND đề xuất HĐND TP Hà Nội phê duyệt là 2.167 tỷ đồng và được phân bổ chi tiết theo từng năm - một số tiền không hề nhỏ và cũng chưa ai có thể đánh giá chính xác hiệu quả thu được sau khi tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình.
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Phân tích một số nguyên nhân trong tờ trình của UBND thành phố đưa ra như sự gia tăng lượng phương tiện giao thông cá nhân (tốc độ tăng trung bình khoảng 10%/năm); việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn; ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một số bộ phận người dân chưa cao; mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu… thì rõ ràng đây là những điểm không mới. Có thể thấy, sự gia tăng về phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay là không lớn và chắc chắn tới một giới hạn nhất định sẽ là bão hòa.
Với những nguyên nhân còn lại nêu trên cũng không dễ giải quyết một sớm một chiều. Song như vậy cũng không đồng nghĩa với việc không thể không có giải pháp giải quyết mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông có hiệu quả. Lấy thí dụ, tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy có 4 điểm thường xuyên ùn tắc, nguyên nhân là do rào chắn thi công ga số 6 và 7 đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Tương tự, ùn tắc trên tuyến đường từ Khuất Duy Tiến đến Nguyễn Trãi là do công trường đang thi công, trong khi lưu lượng giao thông lớn. Đúng đó là các nguyên nhân khách quan mà các nhà quản lý cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ của Hà Nội không thể giải quyết.
Nhưng thử xem, những dự án nêu trên thực hiện có đúng tiến độ đặt ra? Có những dự án chậm tiến độ tới 3-4 lần, vốn đội lên gấp rưỡi - tương đương hàng trăm triệu USD, ngành chức năng đã sử dụng các biện pháp mạnh là cảnh cáo, đề nghị chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu phụ yếu kém, thiếu năng lực… song dường như tổng thầu… không ngại. Tình trạng dự án kéo dài, tổng kinh phí đội lên là một chuyện, rồi còn thiệt hại do ùn tắc giao thông gây ra, kinh phí để thực hiện một số giải pháp… ai là người chịu trách nhiệm hay cuối cùng đều là tiền từ ngân sách?
Lại nữa, tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa diễn ra, cũng về vấn đề ùn tắc giao thông tái phát nghiêm trọng tại những đô thị lớn, điển hình là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Vì sao có quy hoạch chung vẫn xảy ra lộn xộn? Có chủ trương di dời sao chưa di dời được? Tại sao cứ xây nhà cao tầng ở giữa phố? Có hiện tượng xây cao tầng rồi phạt cho tồn tại hay không?… Hàng loạt câu hỏi đó không thể không có trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Tóm lại, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, nếu như đề xuất về kinh phí của UBND TP Hà Nội đưa ra được phê duyệt (2.167 tỷ đồng) vẫn là chưa đủ vì những ví dụ như đã nêu. Vấn đề ở đây là cần giải quyết tổng thể chứ chỗ này làm, chỗ kia lại thờ ơ như thế… đâu có ổn?