"Tâm hồn Việt Nam" qua những góc ảnh

Văn hóa - Ngày đăng : 06:52, 30/11/2015

(HNM) - Rất hiếm nghệ sĩ nước ngoài nào có hành trình khám phá vẻ đẹp Việt Nam kiên trì như Lawrence D'Attilio - nhiếp ảnh gia người Mỹ. Triển lãm lần thứ 5 trong dự án

Nghệ sĩ Lawrence D'Attilio và bản demo ấn phẩm “Tâm hồn Việt Nam”. Ảnh: Lê Quang Vinh



Lawrence D'Attilio có bằng cử nhân mỹ thuật Đại học Louisville, nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ thuật và nhiếp ảnh. Ông là đồng sáng lập gallery nhiếp ảnh The Bathhouse và làm Chủ tịch gallery The photography collectors (Nhà sưu tập nhiếp ảnh). Ông tham gia giảng dạy nhiếp ảnh tại nhiều trường đại học và trung tâm nghệ thuật lớn của Mỹ. Ít ai ngờ rằng ông còn đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác. Lawrence là phi công lái máy bay, là người sáng lập và Chủ tịch của Airdance Inc, quản lý của Capital Drive Airport. Ngoài ra, Lawrence có hơn 30 năm chơi kèn fargot cho ba dàn nhạc giao hưởng khác nhau của Mỹ. Vậy nên, thật kỳ lạ khi Lawrence D'Attilio lại bị quyến rũ bởi đất nước, con người Việt Nam.

Kể từ lần đầu đến Việt Nam năm 2006, đến nay đã 9 năm ông chụp ảnh, hàng chục nghìn bức, để khám phá "Tâm hồn Việt Nam", chọn lọc chúng cho các triển lãm. Lawrence thú thật: "Đất nước các bạn là một miền đất với một thiên lịch sử, một dân tộc với những con người rất đỗi đặc biệt mà thật khó để miêu tả chỉ trong một vài tính từ thông thường. Đất nước ấy đã làm sâu sắc, phong phú hơn tâm hồn tôi, định nghĩa lại tôi theo một cách khác mà mỗi lần triển lãm là một lần bản ngã của tôi được diễn dịch lại, thể hiện khác đi".

Mỗi năm, Lawrence dành 3 đến 6 tháng ở Việt Nam. Ban đầu là sự háo hức và tò mò, sau đó là sự đồng cảm của một trái tim tinh tế. Chính ông đã hòa nhập, kết giao với mảnh đất này sâu sắc đến mức còn tham gia và trực tiếp điều hành một dự án hỗ trợ vay vốn nhỏ nhằm phát triển đời sống người dân ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Từ đó, ông chứng kiến và cảm nhận được sức sống của người Việt Nam.

35 bức trong triển lãm lần thứ 5 này, theo Lawrence, ông chọn rất ít ảnh của 5 năm đầu tiên, chủ yếu là 4 năm về sau. Xem những bức ảnh như "Thông điệp lịch sử", "Mọc lên từ đất", "Niềm vui là đây", "Sau giờ học", "Bờ biển là cuộc sống", "Lòng trắc ẩn của con trẻ", "Kim Hạnh hút thuốc", "Sống bên cầu Long Biên", "Đi mua hàng"… thấy những góc ảnh dù rất đỗi giản dị, dễ gặp nhưng có cảm giác cảnh vật và con người đều tươi trẻ và tràn đầy sức sống. Như chính tác giả chia sẻ, ông quan tâm hoàn cảnh và khoảnh khắc đánh thức ông về sức mạnh của đất nước Việt Nam khi họ đối diện với nhiều khó khăn. Vì vậy, Lawrence giống như một "nhiếp ảnh gia bình luận xã hội" hơn là nghệ sĩ.

Trải nghiệm hiếm có tại triển lãm này với người xem còn là ở kỹ thuật chụp và in ảnh đặc biệt. Lawrence sử dụng kỹ thuật chụp ảnh truyền thống, chỉnh sửa đơn giản, cổ điển có thể thấy ở nhiếp ảnh thời kỳ mới ra đời. Song ông lại in ảnh bằng máy in cỡ lớn đời mới nhất với 12 màu mực có pha phẩm nhuộm, nên ảnh khó phai màu, dù trải qua hàng trăm năm. Ông còn sử dụng 5 chất liệu in khác nhau: Ba loại giấy mỹ thuật được làm từ 100% cotton, vải lanh bán trong suốt, phim hoàn toàn trong suốt. Lawrence nói: "Chúng sẽ cho người xem cảm nhận những hiệu ứng mà không một thiết bị kỹ thuật số nào như máy tính, màn hình, điện thoại… có thể chuyên chở được".

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 13-12.

An Nhi